ClockThứ Năm, 26/09/2013 12:33

Con đường đồng hương!

TTH - “Bố ơi, con đang ở Kí túc xá (KTX) Đội Cung” - tôi thổn thức trong tiếng khóc của đứa con gái lần đầu tiên bước ra khỏi lũy tre làng. Đầu dây bên kia nghe bố nghẹn ngào: “Ừ, cố gắng mà sống vui vẻ với các bạn”, rồi giọng bố chợt sáng lên, “mà Đội Cung là người đồng hương với mình đó con!”... Cuộc đối thoại với bố rất dài, nhưng bây giờ tôi nhớ nhất là chi tiết trên. Thì ra, ở Huế có con đường mang tên người con Thanh Hóa. Chính vì vậy tôi có thói quen gọi tên con đường Đội Cung là “Con đường đồng hương”. Mà với người xa quê, hai chữ “đồng hương” nghe thân thương lắm!

Đường Đội Cung nằm ở phía Nam sông Hương, thuộc địa phận của phường Phú Hội, TP Huế. Tôi chưa từng thấy ở Huế có con đường nào ngắn hơn như vậy, chỉ vỏn vẹn có 220m. Đường vuông góc và khởi đầu từ đường Lê Lợi, chưa mỏi bước chân thì kết thúc ở giao lộ Võ Thị Sáu, Nguyễn Thái Học, Bến Nghé, Trần Cao Vân. Con đường này không nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, nhưng với người yêu nó, vẫn có những dấu ấn riêng.

Con đường nhỏ bé này tồn tại đến nay đã hơn một thế kỷ, có nghĩa là đã chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của lịch sử nước nhà, của thành phố Huế nên thơ. Thời kháng chiến chống Pháp, dân gian thường gọi là đường “lính tập”. Bởi lẽ, đội lính Khố Đỏ, lính Khố Xanh được đóng ngay trên con đường này. Và ít ai biết được, Đội Cung là sĩ quan người Việt giữ chức Đội trưởng các đội quân này. Đội Cung tên thật là Nguyễn Tri Cung, quê ở Đông Thọ, Đông Sơn, nay thuộc thành phố Thanh Hóa. Điều không ai ngờ được là chính sĩ quan người Việt này đã vận động binh lính Khố Xanh, Khố Đỏ nổi dậy chống Pháp. Có lẽ, những ai đã sống qua năm 1941 đều không bao giờ quên các cuộc nổi dậy ấy ở Nghệ An. Nhưng vì nhiều lí do, các cuộc binh biến thất bại, Đội Cung bị bắt và bị xử bắn ngay trong năm ấy. “Cuộc binh biến Chợ Rạng - Đô Lương thất bại nhưng nó có tác dụng kích thích tinh thần ái quốc của đồng bào ta, làm cho đế quốc Pháp bối rối, làm cho ai nấy hiểu rằng anh em binh lính cùng đi với dân chúng trong Mặt trận Phản đế. Đồng thời nó cũng dạy cho chúng ta một bài học muốn đánh đuổi đế quốc ra khỏi xứ cần phải có sự thống nhất hàng ngũ các giới” (Báo Cởi ách, số ra 20-2-1941). Thì ra vì vậy mà năm 1956, đường được đổi từ cái tên xa lạ Vaniner sang cái tên ý nghĩa: Đội Cung.

Ký ức của tôi về con đường yêu dấu luôn được chia làm hai quãng: xưa và nay.

Xưa. Gọi là xưa cho nhuốm màu thời gian và tâm trạng vậy thôi, chứ đó chính là khoảng thời gian tôi học đại học: 2001 - 2005. Ngày ấy tôi là cô sinh viên xứ Thanh, vào Huế học Văn tại ngôi trường Đại học Sư phạm tọa lạc bên bờ sông Hương lãng đãng. (Tôi thích gọi như vậy, bởi lẽ tôi cũng đã nhiều lần lãng đãng nơi đây).

Trước khi vào Huế, bà con cô bác chúc mừng và ngưỡng mộ vì tôi sắp được vào một vùng đất nổi tiếng về bề dày lịch sử và văn hóa. Ai bảo Huế đẹp, Huế thơ chứ ngày đầu tiên vào Huế, tôi chán Huế vô cùng. Bác xe ôm già đưa tôi từ ga tàu về trong trạng thái lâng lâng sau một ngày say ngắc ngư. Cho đến lúc dừng lại tôi mới kịp nhận ra bác già tốt bụng đã giao tôi cho một... cánh cổng. Cánh cổng cũ kĩ ấy mang tên “Khu nội trú sinh viên” ở đường Đội Cung. Từ đó, Huế trong tôi gói gọn như sau: Phòng D2 - KTX Đội Cung.

Những ngày đầu tiên ở KTX với tôi thật khủng khiếp. Mười cô gái sống trong căn phòng chừng 10m2, với năm cái giường chồng, đó là chưa kể tới mười cái rương, mười cái bếp dầu và cơ man nào là những đồ linh tinh khác. Đối với tôi, giọng nói của chín cô bạn còn lại là... ngoại ngữ. Tôi không hiểu những “mô nớ, nỏ chộ, hề, hỉ...” là cái chi chi... Tôi bắt đầu ít nói và hay cười. (Sau này nghe kể lại là ai hỏi tôi cũng cười như vậy). Lúc đó, với tôi, cô sinh viên văn khoa mơ mộng, thả bước trên những con đường quen là ưu tiên số một. Hằng sáng, hằng chiều, hằng đêm, “con đường đồng hương” đã in từng dấu vết bước chân tôi.

Thời gian trôi nhanh, tôi cũng thích ứng thật nhanh với cuộc sống nơi đây. Khi đó, dấu chân trên con đường Đội Cung không còn lẻ loi mình tôi, mà líu ríu những bước ngắn dài của các cô bạn miền Trung chân chất. Tôi tự hào kể cho các bạn nghe lịch sử tên con đường. Bao câu chuyện, bao mối tình sinh viên đã từng qua đây, đến từng cái cột điện, từng ô điện thoại công cộng cũng mủi lòng thương nhớ... Nhớ như in cái cảm giác những đêm trèo cổng KTX đi ăn bánh ram đầu đường, băng qua cầu Trường Tiền ăn mì bánh lọc, rẽ về Trần Cao Vân chọc ghẹo mấy chú công an... mặt lạnh. Nhớ cả những buổi xách từng đôi dép rách ra đường Đội Cung may vá (với chú vá dép hay cười). Và không thể quên được cảm giác đứng ở cây cột điện cách cổng KTX chừng năm bước chân để chờ người yêu sau mỗi buổi học. Để rồi thả bộ khắp nơi, trở về phòng khi đã khuya (gọi là khuya ở Huế thì cũng chỉ chín, mười giờ đêm là cùng) và nghêu ngao bịa lời hát “Đường phố ơi, hãy im lặng cho đôi bạn trẻ đưa nhau về”. Rồi kể anh nghe về “con đường đồng hương” của em đó! Rồi bịn rịn chia tay trước quán tạp hóa Tuyết Đông!

Nay. Cô sinh viên ngày ấy bén duyên anh chàng công an “mặt lạnh”, vì quá yêu thương xứ Huế với những con đường thân quen đã quyết định “làm dâu thành cổ”, trước sự ngỡ ngàng của bao người thân, bạn bè. Không còn có dịp ngày ngày in gót trên con đường tình yêu nữa, nhưng với tôi, đường Đội Cung bây giờ: thay mà không đổi, đổi mà không thay...

Lại Thị Linh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top