Thứ Ba, 15/09/2015 17:10
(GMT+7)
Cứ gì Hà Nội
TTH - Hà Nội những ngày thu thật đẹp. Trời không nắng, gió cũng chưa đủ độ heo may nhưng vẫn có thể cảm nhận được rất rõ sự chuyển mùa ở đất kinh kỳ. Thích nhất là các khóm hoa di động trên xe đạp ở khắp các ngả đường. Không qua các con đường hoa sữa, nhưng thu thì đích thị về nơi những hàng cốm xanh và thơm được những người phụ nữ tảo tần đi khắp ngõ phố. Chỉ thế thôi cũng đủ để làm dịu lòng người.
Thực ra mà nói thì không gian Hà Nội vẫn bề bộn với những dây điện chằng chịt, với pano, áp phích cái cao cái thấp, cái xanh cái đỏ, với những tòa nhà cao tầng và những căn hộ bé tí hin được che chắn tạm bợ ngay nơi mặt phố. Tuy nhiên, trên những con đường ở quận Ba Đình hay Hoàn Kiếm, vẫn rất nhiều những bóng cây xanh tỏa bóng và che chắn. Không ít những con đường với những vỉa hè khá rộng và tinh tươm…
Nhưng sau mấy ngày cuối tuần lang thang để cảm nhận Hà Nội, tôi vẫn thấy Hà Nội còn có những điều cần được dọn dẹp ngay trong ý thức và thói quen. Chẳng hạn như có mấy ngả đường đẹp thế bỗng làm ta giật thột, rồi buộc phải vừa bước, vừa né tránh hoặc cho xe lách qua thật nhanh vì có đến ba thùng rác chình ình ngay dưới lề đường. Chúng ngồn ngộn rác, và có mùi, tất nhiên. Không biết Hà Nội có quy định giờ đổ rác ra đường không mà người dân quên, chứ cứ ban ngày ban mặt thế này mà làm ô uế cả không gian công cộng, làm hỏng mất không gian và ô nhiễm môi trường thì rõ là quá chán.
Nhưng đâu chỉ riêng Hà Nội. Ngay giữa thành phố Huế của chúng ta thôi, điều này vẫn mặc nhiên tồn tại. Nhất là ở các ngả đường đông dân cư. Chuyện nhà này đẩy thùng rác công cộng dịch sang nhà bên kia, hay người bên đường này “di dời” thùng rác sang bên kia đường là chuyện rất hay xảy ra, chí ít thì cũng ở nơi mà tôi đang cư ngụ. Có nhiều khi qua ngõ để vào nhà, tôi và những người hàng xóm “vập” ngay phải một thùng rác “hầm bà lằng” các thứ. Người ở phải chịu đựng đã đành, với khách của nhà, khách của cư dân, khách của thành phố…thì đây đúng là những lời chào chả thân thiện chút nào. Và nó đã trở thành cái phổ biến ở nhiều nơi, chứ không cứ gì Hà Nội.
Không hiểu vì sao, người ta chỉ thích làm đẹp nhà mình mà quên mất cái đẹp chung? Những điều ấy cứ giống như cái xấu không lời phô phang. Nếu không “dọn dẹp” được thói quen và ý thức, thì có lẽ cũng phải cần đến chế tài thưởng, phạt hợp lý. Hoặc không thì đơn vị có trách nhiệm trong lĩnh vực này nên có biện pháp khác, chẳng hạn chỉ chuyển thùng rác đến để gom rác ở các tuyến phố chính vào những giờ nhất định, và tính thêm phần “phụ tải” vì thói quen chỉ đẹp nhà mình chưa được cải thiện.
An Lê