Thứ Năm, 19/12/2013 11:02
(GMT+7)
Đò ơi!
TTH - Bây chừ từ Huế về quê, một vùng quê cách Huế chừng 50 cây số bên bờ phá Tam Giang có đến cả mấy ngã đường; mà đường nào đường nấy ngon ơ, từ đường Ca Cút, An Lỗ, Sịa hay xa chút là Phò Trạch chỉ cần có hơn nửa tiếng đồng hồ phóng xe từ Huế là có mặt ở quê liền... Những chuyến đò dọc miền quê mình theo phá Tam Giang rồi theo sông Hương đến bến Đông Ba hay ngược lại đang thưa vắng dần... Hôm qua nhận được tin nhắn của một người bạn: bến Đông Ba đã không còn đò về vùng quê ven phá Ngũ Điền nữa. Một chút buồn như xa vắng về những ngày theo sông theo phá cùng bao kỷ niệm...
Đã là dân miệt phá Tam Giang không ai không đi đò dọc. Đó là một khoảng không gian, thời gian đầy ắp kỷ niệm... Từ Huế về quê hay ngược lại phải mất nửa ngày sông nước nên ngồi trên đò có thể làm một cuộc nhậu và nếu ai may mắn có thể làm quen với một cô gái nào đó. Mình chắc rằng có những mối tình đã được nảy nở trên những chuyến đò dọc như thế; rồi cũng có những đôi đến được với nhau mãi mãi và cũng có những người tình duyên nửa gánh để mãi mang về một chuyến đò đời... Những chuyến đò đã mang những âm sắc của phố thị về với những làng quê hẻo lánh và cũng những chuyến đò đó đã chở những ước mơ của những đứa học trò nghèo khăn gói lên thành phố trọ học. Câu ca “Thuyền về Đại Lược - Duyên ngược Kim Long” cũng bắt đầu từ những chuyến đò ngược xuôi qua phá Tam Giang, sông Ô Lâu đi về chợ Đại Lược. Không biết chợ làng Đại Lược có từ bao giờ nhưng trong lịch sử của nó đã có hơn chục hộ gia đình người Minh Hương theo đường thủy về đây sinh sống và lập nghiệp . Có lẽ chợ Đại Lược trở thành một chợ nông thôn nổi tiếng nhất vùng ven biển phía Bắc Thừa Thiên Huế cũng nhờ vào tài buôn bán của những người Minh Hương này. Nghe đâu từ những năm 50, chợ Đại Lược đã có người mở quán bán cà phê buổi sáng... Thời gian và những biến cố thời cuộc đã khiến những người Minh Hương lần lượt bỏ chợ mà đi. Người Minh Hương cuối cùng rời chợ Đại Lược lại là một thầy giáo, thầy Hàn Chánh Toàn. Ông cũng là rể của làng mình nên phải đến những năm đầu thập kỷ 80 ông mới đưa vợ con dứt áo ra đi... Bây giờ chợ Đại Lược được xây dựng ở một vị trí mới thẳng ngay với chiếc cầu Hòa Xuân bắc qua sông Ô Lâu cũng rất hợp lý. Khu chợ ngày xưa trở thành khu dân cư, dấu tích còn lại là ngôi đình chợ đã tồn tại hàng trăm năm và mấy cây vông đồng sần sùi vết tích thời gian.
Lại nói về những chuyến đò dọc. Mình không nhớ đã đi mấy chục chuyến đò như thế. Hồi sinh viên, có lần lên đò gặp một nhà thơ cùng quê và cũng là người anh đồng môn đại học được anh tặng tập thơ đầu tay là tập “Bến Đợi”. Đó cũng là lần đầu tiên mình được một tác giả tặng thơ. Khỏi nói cảm giác sung sướng của một thằng sinh viên khoa Văn năm 1 khi được một nhà thơ tặng thơ. Mình rất quý tập thơ này và cất giữ rất cẩn thận. Tiếc là cơn lụt lịch sử năm 99 đã lấy mất đi một kỷ niệm quý của đời sinh viên... Rồi có lần dẫn mấy thằng bạn sinh viên cùng phòng ký túc xá lên đò về quê cho chúng nó biết thế nào là phá Tam Giang...
Còn nhớ mãi mùi xăng dầu, mùi khói, mùi cá mùi tôm và hơi lạnh những chiều đông bao trùm con đò. Hình ảnh thường thấy nhất là những cô cậu sinh viên mỗi lần về quê vào có thêm một bao gạo nho nhỏ, chai nước mắm, mấy bó rau của nhà tiếp viện... Và còn nhớ cả cái cảm giác lạnh sống lưng trong những chuyến đò về chiều mưa gió, đi ngang cửa Thuận An.
Nhưng chuyến đò vui nhất trong cuộc đời là ngày vợ chồng mình đưa đứa con gái đầu lòng mới sinh được 5 ngày từ Bệnh viện Trung ương Huế lên đò về quê ngoại... Đò ơi!
Phi Tân