Chiều cuối tuần nên trò ô tô điện ở công viên quá tải. Các cháu nhỏ phải chực chờ, đợi xe nào hết giờ, tấp vô là nhanh chân xí phần. Cháu nào nhanh hơn, mạnh hơn thì được. Cháu nào rụt rè, nhút nhát, chậm chân thì mất lượt. Không kiên nhẫn được, nhiều phụ huynh cũng nóng theo con, nhảy vô tranh giành, có khi to tiếng. Buổi thư giãn ở công viên vì thế có khi ầm ĩ, hậm hực.
Mới đây, đọc báo lại thấy cảnh tranh giành nhau lên tàu để chạy bão ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Dù đã được bốc thăm trước nhưng khi lên tàu, người ta cứ vô tư mạnh ai nấy lên nên cuối cùng, ai nhanh hơn, mạnh hơn lại được(!).
Nhân chuyện này người viết chợt nhớ lại những buổi học cách đây mấy chục năm. Khi ấy, chúng tôi còn rất bé, bắt đầu vào cấp một. Trước khi vào lớp để bắt đầu một ngày học mới, học sinh xếp thành hàng ngay ngắn rồi lần lượt từng em một vào lớp rất nề nếp, trật tự. Tan học, chúng tôi cũng xếp hàng ngay ngắn, từng hàng một nối đuôi nhau ra về.
Quan sát thì thấy hầu như ngày nay, các lớp học đều không có việc xếp hàng trước khi vào lớp. Các em cứ việc ai vào chỗ nấy, cho đến khi tiếng chuông báo tiết học vang lên. Tan trường, cũng mạnh ai người ấy chạy ra khỏi lớp cho nhanh.
Dư luận cũng nhiều lần lên tiếng về văn hóa xếp hàng của người Việt. Có người bảo, xếp hàng chỉ nên tồn tại ở thời bao cấp, khi phải chực chờ mua hàng bằng tem phiếu. Thế nhưng, khi việc xếp hàng không được quan tâm đến nữa, đã nảy sinh những lộn xộn, nhốn nháo ở quầy thanh toán tiền trong siêu thị khi ai cũng muốn nhanh hơn, sớm hơn. Sự nóng vội, thiếu kiên nhẫn khi tham gia giao thông dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường cũng là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thảm khốc, thương tâm.
Và tệ hại hơn, thói quen tranh giành, nóng vội, mất kiên nhẫn đâu đó còn ảnh hưởng đến hình ảnh dân tộc bởi bộc lộ sự thiếu lề lối và tôn ti trật tự.