ClockThứ Năm, 28/08/2014 11:06

Ít hơn, và xác lập lại...

TTH - 50.000 tấn vàng mã được sử dụng mỗi năm trên cả nước và riêng Hà Nội, số tiền chi trả cho việc này hàng năm cũng vào khoảng trên 400 tỷ đồng. Đây chắc hẳn là con số làm nhiều người giật mình. Có thể sẽ có người cho rằng, con số mà mỗi người/hộ gia đình bỏ ra trong các dịp cúng, lễ không là bao nhiêu nếu nó mang lại sự an lòng. Tuy nhiên, xét trong cái nhìn tổng thể, đây vẫn là con số quá lớn đã bị “hóa vàng” theo gió, nếu không nói là một sự quá xa xỉ trong khi rất nhiều công trình xây dựng cơ bản còn thiếu nguồn lực đầu tư; còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được sự chia sẻ, giúp đỡ không chỉ bằng tinh thần và cả vật chất của cộng đồng.

Theo Thế giới Phật giáo, lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về việc đốt vàng mã tùy tiện, phô trương lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, không đúng với tinh thần Phật giáo; nhiều đền chùa đã yêu cầu các phật tử không hóa vàng trong khuôn viên nhà chùa. Không thể nói rằng, đây là một tập tục thuần Việt. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế, Thượng tọa Thích Huệ Phước, Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã khẳng định, tục đốt vàng mã không xuất xứ từ Phật giáo và không có bóng dáng mê tín trong giáo lý nhà Phật. Nếu ai cũng biết và hiểu rằng, đây là một tập tục khởi nguồn từ thời nhà Đường của Trung Quốc, sau đó đã được du nhập vào Việt Nam và ngày càng bị biến dạng theo tâm lý tiêu dùng một cách rất thị trường, đầy sự khoe mẽ, phô trương khi nhiều người quá lạm dụng vào việc chi tiền mua các mô hình, vật dụng bằng hàng mã để tưởng nhớ những người đã khuất như một cách chia sẻ, báo hiếu...thì tôi tin, ít nhất cũng có sự chững lại trong một chừng mực nhất định để thực sự là người có nhận thức về văn hóa tâm linh.

Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP năm 2010 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa,” trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác.” Cho đến 1-9 này, Nghị định sẽ tròn 4 năm kể từ khi có hiệu lực nhưng việc “hóa vàng” trong dân gần như vẫn chưa được dừng lại ở biên độ rộng...

Trong bài viết trước ở mục này, chúng tôi cũng đã đề cập đến việc Bộ VH,TT&DL đã có công văn gửi các Ban, Bộ, ngành, các sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, thành phố, các cơ quan đơn vị...yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Có lẽ, cũng cần phải hiểu là việc đốt vàng mã cũng chính là một trong những sản phẩm đã được nhắc đến trong công văn này để có sự tuyên truyền, phổ quát rộng hơn trong đời sống của người dân. Chí ít, để thay vào một thói quen quá lãng phí, cần có sự điều chỉnh ở mức độ ít hơn, ít dần và từ đó, xác lập lại một thói quen nhẹ nhàng và văn hóa hơn của một tập tục...

Lê Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top