Từ triều Nguyễn cho đến nay, nhiều tên tuổi đã góp phần không nhỏ bồi đắp cho di sản mỹ thuật Huế như Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Miến, Tôn Thất Đào, Trương Đình Ý, Phạm Đăng Trí, Đỗ Kỳ Hoàng, Tôn Thất Văn, Trịnh Cung, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối… Trong dòng chảy mỹ thuật hiện đại, nhiều triển lãm, festival, cuộc thi đã xướng tên các tác giả hiện đang sinh sống, làm việc tại Huế. Mới đây, tại hội thảo khoa học, để đưa trung tâm văn hóa Huế trở nên đặc sắc, gắn với phát triển du lịch, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân gợi ý bằng một câu hỏi: Nghệ thuật Huế rất giá trị mà Huế chưa có một bảo tàng nghệ thuật thì xem tranh của Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Chỉ… ở đâu? Câu trả lời ấy rơi vào im lặng.
Cách đây chừng 10 năm, ông Nguyễn Xuân Hoa, khi còn là Giám đốc của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao Du lịch) đã có một động thái được giới mỹ thuật đánh giá cao đó là sưu tập tranh của các tác giả đương thời. Việc làm này nằm trong dự tính chuẩn bị cho một bảo tàng mỹ thuật tương lai. Thông qua các cuộc thi, mối quan hệ, Sở Văn hóa Thông tin đã sở hữu khoảng 30 tác phẩm giá trị.
Với tinh thần chung sức vì tương lai bảo tàng, một số tác giả cũng hiến tặng tranh cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trong một festival nghệ thuật tại Huế, có hai người tâm huyết đã khởi xướng ý tưởng tổ chức một triển lãm quy mô, kêu gọi các tác giả có tranh trưng bày bán/ tặng tác phẩm làm quỹ tranh để trưng bày cho bảo tàng về sau. Tiếc là do cơ chế, thiếu sự ủng hộ từ các cấp ngành nên ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng, còn tranh hiến tặng cái thì được treo, cái nằm phủ bụi trong kho.
Không chỉ tranh của bậc thầy mỹ thuật Huế - Tôn Thất Đào - hư hỏng nặng, các tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi cùng thời cũng không tránh khỏi quy luật thời gian. Nếu như hiện thực là thiếu kinh phí và không đủ sức để cứu vãn từng trường hợp một như lời tâm sự của một cán bộ ngành văn hóa thì di sản mỹ thuật Huế đang đứng trước một thách thức không nhỏ. Một bảo tàng riêng để trưng bày, bảo quản tranh của các tác giả tên tuổi ở Huế sẽ giải quyết được bài toán thất thoát, hư hỏng tranh. “Bảo tàng này sẽ là điểm dừng chân của du khách khi đến Huế và là thiết chế văn hóa không thể thiếu của một thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai”, một nhà nghiên cứu văn hóa thiết tha.
Họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng trong một cuộc trà với bạn đồng lưu đã tâm sự: “Nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị đã có nhà trưng bày tác phẩm, họa sĩ Lê Bá Đảng cũng có trung tâm nghệ thuật. Giới mỹ thuật Huế băn khoăn, xót xa thầm hỏi: Không biết tới khi mô mới có một bảo tàng mỹ thuật?”
Nhiều người an ủi ông rằng: Tương lai sẽ có! Nhưng không biết tương lai này gần hay xa?
A. Túc