ClockThứ Năm, 20/03/2014 11:21

Ký ức giếng làng

TTH - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê, cuộc sống gắn liền với cái giếng làng. Giếng đã trở thành mạch sống cho bao người từ ăn uống, tắm gội… cho đến giặt giũ áo quần. Thời ấy, bất cứ chuyện gì xảy ra trong làng, mọi người đều biết cả vì giếng làng luôn là nơi khởi nguồn những câu chuyện vui buồn của cả làng trên, xóm dưới. Giếng làng luôn gần gũi với mọi người, song luôn được mọi người kính trọng và bảo vệ nghiêm ngặt, bởi cho rằng mạch giếng tốt không phải nơi nào cũng có, hay chuyện đặt vị trí giếng cho cả làng cũng đã được người xưa nghiên cứu rất kỹ về phong thủy, địa lý. Ở làng tôi, hễ nhà nào có đám tang, nếu quan tài đi qua giếng làng, ắt có người ra giếng dùng tấm gót để che miệng giếng tránh uế tạp cho giếng làng…

Thời gian thấm thoát qua mau, cuộc sống thay đổi, kinh tế phát triển, nước máy đã về tận thôn, xóm và từ đó, chiếc giếng làng đã bị lãng quên, có những chiếc giếng lâu không dùng đến đã bị cát vùi lấp, có giếng chỉ còn chơ vơ cái thành giếng to tròn làm bằng gạch thẻ xưa, nước đã cạn kiệt... Cũng từ đó, cuộc sống xóm làng dần đóng kín, nhà ai biết nhà nấy, ít quan tâm đến nhau, không khí trong làng dần nguội lạnh. Giờ trở về làng, những người như tôi, lớn lên học tập, làm việc, rồi lập gia đình và định cư ở thị thành thật buồn tẻ bởi chiếc giếng làng nay đã không còn nữa. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên lân la bên giếng làng dù giờ đây chỉ còn sót lại miệng giếng bị vùi lắp.

Tết năm nay, gia đình tôi về quê, một ký ức tràn về khi tôi gặp lại người bạn thân năm xưa cũng đi xa như tôi cùng nhau nhắc lại chuyện chiếc giếng làng tôi. Hồi ấy, chúng tôi thường dậy sớm để ra giếng vừa múc nước gánh về phục vụ sinh hoạt cho gia đình, vừa kịp tắm gội trước khi đi học. Chuyện bạn bè trong lớp, chuyện học hành, ước mơ tương lai sau này đều đem ra kể, bàn luận sôi nổi bên giếng làng. Tôi còn nhớ như in, chuyện bạn tôi ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang, còn tôi thích làm nhà giáo. Thế mà sau mấy mươi năm gặp lại bên chiếc giếng làng năm xưa, bạn tôi đã trở thành một nhà thiết kế thời trang có tiếng tăm ở thành phố Hồ Chí Minh; còn tôi cũng học sư phạm nhưng khi ra trường thì lại làm một công việc khác.

Tâm sự với tôi, bạn tôi nói rằng: “Mình ở xa quê mấy chục năm trời, cuộc sống giờ đây dù khấm khá hơn, hiện đại hơn, nhưng mỗi khi nhớ về quê là nhớ tới chiếc giếng làng mình. Nhưng nay về quê giếng làng đã không còn quả là một điều đáng tiếc. Ước gì giếng làng giờ này vẫn còn tồn tại để mọi người nhớ về nhau nhiều hơn”.

Tôi cũng thầm nghĩ như bạn tôi, giếng làng của chúng tôi không chỉ cung cấp nguồn nước mà còn là nơi gặp mặt, chuyện trò của mọi người; là nơi những khát khao vươn lên trong cuộc sống, là nơi bắt đầu từ những ý tưởng mới hình thành… để từ đó ra đi nhiều người đã thành danh nơi đất khách quê người, được nhiều người biết đến và nể trọng. Tôi vẫn thầm ước ao, nay mai chiếc giếng làng quê tôi sẽ được mọi người cùng đổng lòng, chung sức xây dựng lại để hình ảnh giếng làng luôn gợi cho mỗi một chúng tôi, những người ở quê hay những người đi xa những hoài niệm đẹp.

Gia Hân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top