ClockThứ Năm, 21/08/2014 03:10

Ký ức hít hà...

TTH - Ngây ngây và ngòn ngọt là hương vị đầu tiên khi mình vừa trờ xe ra khỏi con dốc nhỏ. Bất giác, cứ phải nấn ná pe-dan một chút để hít hà mùi trứng cá chín loang trong sương sớm lễnh loãng. Không ngoái đầu nhìn lại, nhưng mình cứ mường tượng những quá trứng cá bé xíu đỏ mọng hay vàng cam trên cây. Màu và mùi mê hoặc cả một thời bé dại và để nhớ đến mãi tận bây giờ.

Chỉ còn dăm ba cây nhưng có lẽ tuyến đường mình thường đi về này là nhiều trứng cá nhất. Nhiều năm trở về trước, người ta đã chặt hạ hết cây trứng cá bên các tuyến đường đi để trồng vào đó những cây đô thị mới, vừa sạch, vừa ít bị trẻ con quấy rầy lại vừa có bóng mát. Là mình nghe người có chuyên môn về cây xanh nói vậy thôi chứ thâm tâm cũng thấy hoài tiếc một loài cây của những năm tháng tuổi thơ. Mà đâu chỉ là trứng cá, nhiều thứ quả bây giờ cũng đi đâu mất tiêu giữa những gian hàng bề bộn cây trái với đủ loại thương hiệu, màu sắc và đến từ những quốc gia khác với những đào Thái bóng đỏ, nho Mỹ tím nâu, sầu riêng cũng từ Thái tròn đều tăm tắp, lòn bon Quảng Nam ươm vàng, táo Hà Nội xanh mơ... thế nên lắm khi ra chợ, mình lại hay ngơ ngẩn dừng chân trước vài chùm keo xanh buộc lạt đặt trước mặt cô bé con xuống từ mạn Thủy Biều với cái nhìn mong chờ đến khắc khoải. Thấy tần ngần trước một rổ khế ngọt xếp lẫn cùng một ít quả đào màu trắng khép nép nhỏ nhoi. Dù hàng xóm can ngăn vì cơm mỏng và ruột thường bị sâu mà lắm khi, mình vẫn cầm lòng không đặng bởi sự ùa về của ký ức.

Có lần vào mùa thị, mình đặt những quả vàng bé nhỏ vào rổ rồi đặt chúng trên bàn làm việc để mỗi buổi sáng lại được nghe mùi cổ tích váng vất. Mà mua được thị cũng đâu dễ vì họa hoằn lắm mới có một người chịu khó mang chúng về phố. Bóng những cây thị trong các khu vườn quê bây giờ cũng không còn mấy. Hình như các chủ nhà, chủ vườn đã dọn chỗ cho những loại cây khác thông dụng hơn. Mùi vườn bây giờ cũng khác trước nhiều. Thi thoảng lắm mình lại nghe mùi phân chuồng uể oải, mùi khói sạch khi người ta đốt lá khô trước ngõ, mùi mít chín lan cả một quãng đường xóm hay mùi thơm hăng hăng của hoa mướp vàng trên bờ rào kẽm khi đi bộ len vào xóm nhỏ. Đôi khi mình nghĩ, lá chuối khô cũng có mùi hay chỉ tại mình cứ mường tượng mùi lá chuối khô trong những ngày tha thẩn kiếm rau, kiếm lá mà bụng cồn cào nhớ cơm những năm 1980 trở về trước...?

Lại có lần, mình xách lên nhà cả một túi bồ quân tím thẫm khi thấy chúng trên đầu gánh của một mệ già. Trẻ con nhà mình chê chát, nên lúc ấy, mình thường về nhà sớm hơn một chút để bồ quân không thắc thỏm vì sợ bị bỏ quên. Ngày trước, có cậu bạn trai thi thoảng lại mang xuống lớp một ít và cả lũ con gái lao nhao tranh nhau. Giờ mình nghĩ, lúc ấy đúng là có nhiều bạn gái má ửng bồ quân thật, ngay trong cái lúc lao nhao ấy...

Hôm lâu nào, mình ghé lại khu vườn trên một triền đồi của người quen ở Thủy Xuân và nhặt được mấy quả bứa chín vàng. Cầm trên tay thôi mà đã nghe dôn dốt đầu lưỡi. Không biết bây giờ, cây bứa lẻ loi trên triền đồi ấy có còn không. Rồi mình lại nhớ vị dôn dốt và mềm mềm của quả chay vỏ xanh, ruột hồng mà cụ ông nhà mình ở trọ hồi ở Thanh  thường dúi cho. Hồi ấy thiếu kẹo và cũng chả có bánh, nên con bé con là mình đã nâng niu mãi và ăn từng tẹo một vì sợ hết. Quả chay bây giờ ở đâu...?

Là mình cứ lan man nhớ thế khi bắt đầu với mùi trứng cá trong ban sáng thơm tho. Những cây trứng cá mà mỗi sáng lăn bánh xe qua, mình lại hít hà mùi thơm ngây ngây vào tận sâu trong lồng ngực, y như một cách mở cửa đón gió và đón luôn một khoảng trời bé dại đã xa xôi...

Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top