ClockThứ Năm, 21/08/2014 09:55

Lệch chuẩn

TTH - Lai căng, học đòi, phô trương hình thức, dẫn đến trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa và cả công sở cơ quan, đơn vị ở nhiều tỉnh, thành phố.

Điều này đã gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng. Cũng chính vì thế mà trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các ban, bộ, ngành, các sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, thành phố, các cơ quan đơn vị... yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời giao cho các sở chủ quản tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Một khi mà Bộ VH,TT&DL buộc phải yêu cầu, kèm theo chế tài thì việc trưng bày, sử dụng này đã trở nên lạm dụng một cách phổ biến. Cho dù là việc thực hiện ra sao, như thế nào... cần có thời gian nhất định, song sự đánh động này, theo chúng tôi là điều cần thiết khi mà thay vì sự hiền hòa, thân thiện, gần gũi mà các không gian đem lại, chỉ thấy sự trấn áp, dọa dẫm một cách bất an trong dáng vẻ xa lạ của các tạo hình linh vật được trưng bày. Trong đó, đầu tiên và trước hết là cần phải thay đổi về nhận thức trong tiếp nhận cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như những ứng xử văn hóa kèm theo, từ chủ thể sở hữu đến cộng đồng.

Tham quan nhiều khu đền chùa, miếu mạo ở nhiều địa phương mỗi khi có dịp, điều dễ nhận thấy là sự khác nhau rất rõ không chỉ trong việc trưng bày biểu tượng, vật phẩm mà ngay cả trong tâm thế của những người đi lễ. Rất nhiều nơi, chốn linh thiêng, hiền hòa, yên tĩnh đã trở nên náo nhiệt, ồn ào, xô bồ một cách đáng ngại trước dòng người ùn ùn kéo về cầu tài, cầu danh thay vì cầu an. Điều ấy khiến những nơi này thành chợ mua bán tâm linh chứ không còn là nơi để vãn cảnh trong yên bình và thư thái nữa...

Cũng cần phải nói thêm là, sự ồn ĩ trong việc phô trương tài trợ cũng đã “đóng góp” vào sự bất thường khi người ta cho in tên công ty, đơn vị, thậm chí tên gia tộc hoặc tên họ của một ông chủ, bà chủ nào đó vào các tấm bảng hiệu, ghế đá và đặt nó vào những vị trí dễ thấy nhất, có nhiều người lui tới hành lễ nhất. Tác hại trong mối quan hệ vật chất hẳn sẽ là rất lớn khi điều này đã trở nên bình thường một cách bất thường...

Nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời, từ lệch chuẩn trong nhận thức, đến sử dụng, tiếp nhận và quên dần nguồn cội mới là điều quan ngại nhiều nhất, và không chỉ ở phạm vi mà Bộ VH,TT&DL yêu cầu.

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top