ClockThứ Năm, 28/08/2014 09:56

Miếng ngon nhớ đời

TTH - Với người Việt, có hai món “văn hóa” thực sự là bản sắc của Việt Nam không thể trộn lẫn. Đó là… nước mắm và áo dài! 

Làng mình cách biển không xa nên bữa ăn hàng ngày có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu nước mắm. Ngày ngày, bất kể nắng hay mưa, những người phụ nữ của các làng biển triêng gióng chân trần vượt qua những con đường cát trắng lóa mắt đi bán nước mắm ở các làng quê lân cận. Mình còn nhớ tên và cả gương mặt thân thiết của mụ Lựu, mụ Ninh, mụ Gái, mụ Móm… thường vô bán nước mắm cho xóm. Nhớ cái giọng tự tin của mụ Ninh: “Nước mắm tui ngon đứng đụa!” (nghĩa là nước mắm của mụ nguyên chất, đặc quánh lại, bỏ dọc chiếc đũa vô là đứng được).

Với quê mình, mâm cúng kỵ có đủ món rồi mà chưa có chén nước mắm ớt đặt vô giữa mâm là chưa “hào soạn”… Nước mắm không ngon thì coi như mâm cỗ chưa ngon. Mà chế biến nước mắm cũng phải theo tay người, không phải cứ có cá nhiều là nước mắm ngon. Bởi thế nước mắm ở quê hồi đó “thương hiệu” gắn liền với tên người làm ra cũng là người bán.

Cả làng mình ai cũng công nhận là nước mắm mụ Lựu ngon nhất xứ…Cảnh mấy mụ le te triêng gióng đến từng nhà bán nước mắm ở quê chừ không còn nữa. Mà mấy mụ bán nước mắm ngày trước chắc cũng đã về với biển cả hết rồi. Nước mắm ngày nay đã được sản xuất đại trà, đăng ký thương hiệu; nhưng sản xuất nhiều như rứa làm răng ngon được? Người làng xa quê mỗi lần về thăm vẫn tìm cho được vài lít nước mắm ngon có tay sản xuất theo phương thức cổ truyền “lận lưng” mang theo chút hương vị quê nhà.

Thầy giáo dạy Toán cấp 3 của mình vẫn hay kể chuyện cũ: “Hồi đó phòng mình 3 người, nấu 5 lon gạo ăn với nước mắm mà sạch nồi...”.

Hồi nhỏ, đi ăn kỵ ở làng có 3 món thịt “trứ danh”: Thịt heo luộc chấm nước mắm ớt, thịt vịt luộc chấm nước mắm gừng và thịt gà bóp rau răm. Mình vẫn thèm nhất món thịt gà bóp. Nói là thèm bởi hồi ấy quê nghèo, mỗi cái kỵ nhiều lắm là 2 con gà. Lũ con nít như mình gọi là đi ăn kỵ ké theo ba mẹ chớ chưa được mời. Khi người lớn vô mâm ở trong nhà chính thì con nít cũng được bày một chiếu ở ngoài sân với lơ sơ vài món, tất nhiên cũng có một đĩa thịt gà bóp. Nhưng có đến mười mấy đứa tuổi ăn tuổi lớn đang chờ chực, rứa là đứa mô lanh tay lẹ mắt mới có được một miếng vô miệng vừa ăn vừa thòm thèm liếc vô trong nhà coi có ai kêu vô cho thêm miếng nữa…

Đi quán nhiều, thấy thịt gà ngày càng nhiều món: gà chấm muối tiêu, gà xào sả ớt, gà quay, gà nướng (mà cũng nhiều kiểu nướng: nướng lu, nướng mọi, nướng bẹ chuối, nướng than hồng…), lẩu gà nấm, lẩu gà lá giang, gà lá chanh, gà hấp hành, hấp bia… Có lần về ăn tất niên ở nhà thằng bạn, không biết học mô món gà trộn với bắp su. Nói thiệt mình vừa ăn món gà trộn su vừa tiếc cho con gà mái tơ bắt từ làng vô bị “ép duyên” với một loại rau quả chẳng có chút mùi thơm chi… Ngẫm cho kỹ món gà bóp rau răm ngon là bởi mùi thơm của loài rau gia vị này nó chan hòa trong cái béo bùi của thịt gà. 

Lại nhớ một anh bạn Huế doanh nhân nghệ sĩ đang sống ở Sài thành với một lời hẹn rất chân thành với vợ chồng đứa em là: “Mai mốt tau ra Huế lên nhà bây ăn món gà bóp rau răm mà phải gà kiến thả vườn và chỉ bóp thịt với rau răm, tiêu muối thôi, đừng cho thêm thứ chi vô hết nghe…”

Dạo này thông tin về chất độc trong thức ăn, đồ uống ngày một dày đặc trên các trang báo. Bữa sáng ăn tô bún bò giò heo mà thấy sợi bún nó trắng quá ngờ ngợ. Mình nhớ hồi nhỏ sợi bún có màu đục đục chứ không trắng như bây chừ. Ở xóm quê mình, vài ba bữa lại có người gánh bún ngang qua với tiếng rao đều đều: “Ai đổi bún khô...ô...n...”. Bún được làm từ giống gạo cổ truyền thành từng con một xếp đầy từng thúng chung quanh là những tàu lá chuối xanh nhìn rất thích mắt. Cách mua bán bún cũng lạ. Lấy lúa đổi bún theo cách tính: 1 rá bún bằng 1 rá lúa đầy. Khi mô mẹ đong lúa đổi bún là mấy anh em mình có một bữa ngon bún chấm nước mắm biển nguyên chất, hoặc chấm với nước cá kho.

Miếng ngon ngày trước đôi khi chỉ đơn giản là rứa mà mang theo suốt cả cuộc đời…

Thanh An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top