ClockThứ Ba, 17/11/2015 17:27

Mùa rau dại

TTH - Tháng chín, tháng mười âm lịch, quê tôi gọi là “mùa gác vằng”. Vằng là một nông cụ không thể thiếu của nhà nông thuở trước dùng để cắt lúa. Loại nông cụ cổ truyền này được làm từ cái chạc cây, một đầu để móc lúa kéo về phía mình; sau đó, người nông dân một tay nắm lấy chặt thân lúa, tay kia cầm cán vằng có lưỡi thép phía lưng để cắt. Từ dùng vằng để cắt lúa, những giống lúa cổ truyền cao đến ngang ngực đến dùng liềm cắt lúa khi những giống lúa nông nghiệp sau này thấp chỉ ngang đầu gối và bây giờ ngồi trên xe để cắt lúa là một bước tiến ngoạn mục của nghề làm nông xứ mình. Cũng vì thế đến chừ, trong nhà những người nông dân ở quê tôi vẫn còn cái liềm nhưng chủ yếu dùng để cắt cỏ, còn cái vằng đã là một thứ “đồ cổ” giống như mấy chiếc xe đạp nước, máy quạt lúa, cối xay lúa… mà người thành phố đang sưu tầm để lập những “bảo tàng nông cụ” gia đình mà thương nhớ đồng quê xưa cũ…

Quê tôi gọi là mùa gác vằng chứ không phải là mùa nông nhàn, bởi vì nghề nông mấy khi được nghỉ ngơi. Ruộng gặt xong, những nông cụ vằng, liềm được gác lên chái bếp chờ mùa thu hoạch sau cũng là lúc những trận mưa lớn ập về, cánh đồng lênh láng nước. Nước về là lúc những loài rau dại mọc xanh um tùm và trổ những chùm hoa len lén khoe sắc trên cánh đồng. Rau muống, rau khoai còn vương vãi sau mùa thu hoạch vươn mình bò khắp bờ trên ruộng dưới. Nhưng nhiều nhất vẫn là rau chưa, rau chót cứ chen nhau mà xanh và trổ hoa…Cánh đồng quê không chỉ cho con người hột lúa, củ khoai mà ngay cả những loài rau dại chót, chưa cũng biết vươn lên khỏi mặt nước để trợ lực cho cuộc sống của những người dân quê nghèo.

Cánh đồng mùa gác vằng vì thế chẳng bao giờ hoang vắng khi người dân ra đồng mò cua, lượm ốc cải thiện cho bữa ăn hàng ngày; hái rau chưa, rau chót về làm thức ăn cho đàn heo. Mấy đứa chăn trâu thì hả hê thả trâu ngoài đồng cả ngày mà không sợ trâu ăn lúa gọi cha ời ời. Việc của chúng bây giờ là đi theo mấy bầy vịt thả đồng để lượm trứng đẻ rơi. Có đứa lượm cả ngày cũng đến chục quả trứng. Những ngày nghỉ học, mấy đứa con nít xóm tôi cũng ùa ra ngoài đồng chơi đủ trò từ chọc lũ rắn nước phùng mang trợn mắt, cưỡi lên lưng trâu rồi ngụp lặn ở những ô ruộng sâu…Dòng nước mùa thu trong mát ngai ngái mùi rau dại, tanh tanh mùi bùn đất đã thấm vào da thịt của những đứa trẻ quê cho đến một ngày con trai vỡ giọng, con gái nhú ngực rồi mỗi đứa mỗi nơi mang theo câu hát ru của mạ: “Mạ ơi đừng đánh con đau - Để con bắt ốc, hái rau mạ nhờ - Bắt ốc ốc nhảy lên bờ - Hái rau rau héo mạ nhờ chi con…”.
Về làng. Cánh đồng quê rau chưa, rau chót vẫn mọc đầy và trổ hoa cùng mùa nước mới chợt như văng vẳng vọng về tiếng cười trong trẻo của mấy đứa trẻ trâu ngày nào. Tôi phóng mắt tìm hoài đồng gần, đồng xa mà chẳng thấy một bóng trẻ quê mô chạy nhảy trên cánh đồng làng trong một chiều thu nắng đẹp…
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top