ClockThứ Năm, 10/09/2015 14:27

Mùi của mẹ

TTH - Cuối ngày. Chị vừa sà xe vào đến hiên, cậu con trai 8 tuổi đã ùa ra đón mẹ. Đợi mẹ dựng được chân chống xe, cậu ta nũng nịu ôm ngang bụng mẹ. Phản xạ tự nhiên, chị đẩy mạnh con ra: “Mẹ đi cả ngày, người đầy mô hôi, hôi lắm!”. Thằng bé cười hì hì, lại nhào vô, rịt vòng tay chặt hơn. Rồi mẹ đi một bước, nó sít bước chân theo một bước, bảo: “Con có thấy hôi chi mô nà. Mà hôi mấy con cũng chịu được, đó là mùi của mẹ mà”. Cứ thế, nó chỉ chịu buông ra khi mẹ đã đến cửa phòng.

Tối. Chị lặng nhìn các con ngủ. Sự nghịch ngợm, lém lỉnh ban ngày tan biến và trên khuôn mặt của 2 cậu con trai nhỏ chỉ còn những nét hiền ngoan, ngây thơ của con trẻ. Chị nhẹ nhàng nghĩ đến các con. Chị vẫn mơ một nàng công chúa, mơ sự ngọt ngào, nũng nịu của nàng ấy trong những lúc vui và những lúc buồn. Chị chợt nhớ đến câu nói của con hồi chiều, về “mùi của mẹ”. Chị lặng thinh trong ánh đèn ngủ mờ mờ. Đã hơn một lần chị đi qua người đàn bà có mùi mồ hôi nằng nặng khó chịu – mẹ chồng chị.

Mẹ chồng chị, người đàn bà lam lũ cả cuộc đời để nuôi một đàn con 5 đứa nên người. Cho đến giờ, khi đã ngấp nghé 70, nhưng cái lam lũ ấy vẫn chưa buông khi đàn con của bà, giờ đã lớn khôn hết, thành vợ thành chồng và ngày ngày vẫn đem con về gửi. Thương con, quý cháu, đứa mô bà cũng nhận, từ đứa mẹ vừa đến kỳ đi làm lại sau nghỉ sinh cho đến đứa đã qua tuổi nhà trẻ mà không một lời phàn nàn hay yêu cầu gì. Phụ tá của bà là ông. Thỉnh thoảng trở trời, ông không khỏe, bà cũng chỉ khấp khỏa: “Thì coi ba bây như một đứa cháu lớn, chỉ cần ngồi một chỗ để ý đừng để mấy đứa nhỏ đập nhau là được. Bây cứ yên tâm mà đi làm. Có chi, tao gọi”.

Vậy mà các con của mẹ, đứa chị vô tư theo kiểu đứa chị, đứa em vô tư theo kiểu đứa em, trong đó có cả chị. Thường, có bà nên chị vẫn yên tâm đi từ đầu sáng đến cuối chiều. Không ít ngày chị đi còn sớm hơn và về khi đã thấp thoáng ánh đèn. Về đến nhà, bụng con đã no và chân tay con cũng đã thơm tho sạch sẽ. Chị chưa một ngày phải bận tâm khi giao con cho nội. Vậy mà… Chị xấu hổ trước khuôn mặt hiền của con trai. Đã hơn một lần chị đi qua mẹ cuối ngày và nhăn nhó khó chịu với mùi mồ hôi nồng nồng của mẹ. Thậm chí, có hôm chị còn gần xa: “Răng tắm cho cháu xong, mẹ không tắm luôn cho mát”. Mẹ chỉ cười: “Lo cho cháu thôi chứ việc đã xong mô con, còn cơm nước, dọn dẹp nhà cửa nữa. Tắm rồi bẩn lại thôi”. Sống mũi chị cay cay. Bỗng dưng chị nhìn thấy chồng chị trong dáng hình của cậu con trai chiều nay, còn chị là bà mẹ chồng lam lũ có mùi mồ hôi nồng nồng. Liệu con dâu mai sau có nhăn nhó như chị không nhỉ?

Khuya. Chị nhẹ nhàng nằm bên người mẹ già. Mùi mồ hôi vẫn nhẹ nồng qua tiếng thở đều đều của bà. Và như con trai, chỉ cần là của mẹ, bất cứ cái gì và như thế nào, chị cũng yêu vô điều kiện. “Ai còn mẹ là còn hạnh phúc”. Chị có tới hai người mẹ. Hạnh phúc ấy, nhờ con trai nhỏ, chị mới hiểu mình may mắn nhường nào…

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top