ClockThứ Sáu, 21/08/2015 16:06

Nghề bán báo dạo

TTH - Ngày nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, mọi thông tin "nóng hổi" được cập nhật chỉ sau những thao tác đơn giản trên màn hình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích đọc báo giấy vì nó "thân thuộc hơn". Nhờ thế, nghề bán báo dạo vẫn tồn tại.

Đều đặn từ 4 giờ rưỡi sáng các chị lại tới Bưu điện tỉnh, hoặc các đại lý lấy báo, sau đó rong ruổi khắp các ngõ phố bán báo dạo

Hằng ngày, đều đặn từ 4 giờ rưỡi sáng, những người bán báo dạo đã có mặt ở Bưu điện tỉnh, hoặc các đại lý lấy báo, sau đó rong ruỗi khắp các ngõ phố bán dạo. Dù nắng hay mưa, trên những con đường của thành phố, chị Hoa (48 tuổi) cùng chồng báo mới đến những hàng quán quen thuộc. “Ngày nào có sự kiện “nóng” thì bán được trăm tờ. Đa số, lớp trung niên, người già vẫn giữ thói quen đọc báo giấy. Bán báo ngày càng khó, nhưng khi nào còn người mua thì tui vẫn còn đi bán”. Chưa dứt lời, chị Hoa lấy vội tờ báo đưa cho một vị khách quen. “Sáng nào, đi tập thể dục qua đoạn này, ông cũng mua báo của tui. Còn một số mối quen nữa nhưng chủ yếu là giao báo tận nhà”, chị Hoa nói.

Nhà ở Thủy Biều (cách trung tâm thành phố chừng 10km), cả chục năm nay, cứ 3 – 4 giờ sáng hai chị em chị Bé lại đạp xe đi lấy báo, rồi còn tranh thủ đi bán cho kịp giờ buổi sáng. Chậm trễ chút nào sẽ khó bán chừng đó. Chị Bé bảo ở quê, sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng, kiếm được 100 ngàn ngày rất khó, còn đi bán báo dạo trung bình một ngày cũng kiếm được 80 – 100 ngàn đồng, do vậy có vất vả cũng “bám nghề” để trang trải cuộc sống gia đình. Lãi 800 – 1000 đồng/tờ, nhưng đối với những người bán báo dạo thì mỗi tờ báo bán đi là cả một niềm vui. Đối với họ, sương gió, nắng mưa, hay đi bộ chục cây số mỗi ngày là chuyện bình thường, nhưng vẫn luôn mong ngày nắng nhiều hơn ngày mưa để công việc được thuận lợi hơn. Ngày mưa không những đi lại rất vất vả, mà khách mua báo cũng ít hơn, có khi phải đưa báo về trả cho đại lý. Nếu hôm nào bán không hết báo ngày thì còn phải chịu lỗ. “Còn rất nhiều người thích đọc báo giấy lắm. Bởi thông tin từ báo giấy luôn được coi là chính thống; cách trình bày diễn đạt cũng dễ hiểu hơn. Báo giấy vẫn đang có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Hơn 10 năm theo nghề, tôi cũng đã kiếm cho mình được hơn 15 khách “ruột””, chị Bé cho biết.
Chị Yến (43 tuổi, Thủy Biều) chia sẻ: “Nghề này đúng là cực thật, đi bộ cả ngày “rạc chân”, mời khách mỏi miệng, nhưng cũng nhờ nó mà cuộc sống của gia đình bớt khó khăn, có tiền nuôi con ăn học. Chị vừa khoe, con bé đầu nhà chị và con chị Bé vừa mới thi đại học, đều được 20 điểm, đang nộp hồ sơ vào Trường đại học Sư phạm và đại học Kinh tế. Dứt câu chuyện, chị Yến lại vội vã đạp xe đi bán, hòa vào dòng người đông đúc, khi trời trưa cũng đã tròn bóng.
Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top