|
Bác sĩ Trần Văn Hòa thăm Mẹ VNAH Hà Thị Lý (Kim Long, TP Huế) |
Bác sĩ Trần Văn Hòa sinh 1959, trong một gia đình đông con ở xóm Lịch Đợi, Phường Đúc, TP Huế. Bố là tài xế xe lửa, mẹ buôn bán nhỏ. Là con thứ hai, Hòa phải giúp bố mẹ bao quát việc nhà. Năm ấy, anh đang học đệ tam (tức lớp 10), một người em trai đêm trước vẫn bình thường, sáng hôm sau lay mãi chẳng dậy, người mềm nhũn, ba mẹ đã đi làm, hàng xóm giúp Hòa đưa em đến bệnh viện nhưng không cứu được. Bí ẩn về cái chết của em thôi thúc anh có khát vọng trở thành bác sĩ bằng mọi giá.
Tháng 8 - 1977, tin Trần Văn Hòa đỗ vào Trường đại học Y khoa Huế khiến không chỉ gia đình anh mà cả xóm ngạc nhiên, vui mừng. Rồi không lâu, bước vào năm thứ hai đại học, Hòa đã tạm xếp bút nghiên cùng 22 sinh viên khác của trường xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh có mặt trong đoàn quân tiến về Phnôm Pênh năm 1979. Thời gian trong quân ngũ, chẳng hiểu từ đâu có tin Hòa hy sinh. Nơi quê nhà, chờ mãi không thấy con về, gia đình lập bàn thờ nhang khói cho anh.
Sau bao ngày tháng đối diện với sự sống và cái chết, Hòa may mắn vượt qua những họng súng tàn ác của bè lũ Pôn Pốt. Trở về Việt Nam, anh được điều động về giảng dạy ở Trường Văn hóa Quân khu 9, rồi được cử đi học tại Trường đại học Quân Y. Đang gặp khó khăn về vấn đề thủ tục thì anh được nghỉ phép 15 ngày nên vội vàng về quê. Vừa xuống sân ga, anh nhận thấy sự kinh ngạc của bà con chòm xóm. Nhiều chị, nhiều o bỏ cả quang gánh theo anh. Về nhà anh mới biết trên bàn thờ có bài vị của mình. Anh quyết định ở lại quê hương để bù đắp cho gia đình. Sau nhiều năm gián đoạn, Trường đại học Y khoa Huế một lần nữa đón nhận anh. Ra trường với tấm bằng đỏ, anh được giữ lại giảng dạy bộ môn Dược lý.
Trong sâu thẳm trái tim, ký ức ở chiến trường Campuchia luôn đồng hành cùng cuộc sống của anh. Anh tâm sự: “Những gì tôi làm được hôm nay đều có hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống. Tôi từng ôm đồng đội trong tay và chứng kiến họ trút hơi thở cuối cùng vì những căn bệnh hiểm nghèo như sốt rét, kinh phong... Tôi hiểu rằng, tình thương không đủ để cứu sống họ. Đã trở thành bác sĩ, tôi tự hứa phải phấn đấu tìm tòi trong y học những phương thuốc hay khi chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo”. Nói đến đây, bác sĩ Hòa lấy tay thấm những giọt nước hiếm hoi trên đôi mắt hoe đỏ, rồi anh bắt đầu kể về những năm tháng ở đất bạn. Thời gian ở Campuchia, chứng kiến người dân tộc chữa bỏng bằng một số loại lá cây có nhiều ở nước ta, anh đã mày mò để nghiên cứu thành một đề tài khoa học cấp bộ về thuốc chữa bỏng, đề tài anh đeo đuổi mất mười mấy năm, lấy từ nguồn dược liệu địa phương là hạt cau và dầu mè để chế tạo ra.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Công đoàn VN, anh vinh dự được chọn là 1 trong 71 gương mặt cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc của ngành giáo dục Việt Nam được tuyên dương tại Hà Nội do Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức.
Hiện tại, bác sĩ Trần Văn Hòa vẫn ngày đêm say mê với những đề tài nghiên cứu khoa học mới. Quan niệm của anh là không đi theo lối mòn mà phải liên tục sáng tạo.
Bác sĩ Trần Văn Hòa cùng đồng nghiệp tham gia biên soạn nhiều tài liệu phục vụ giảng dạy và tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học các cấp và đạt nhiều giải như: đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm và tác dụng dược lý của chế phẩm điều trị bỏng từ dầu mè và hạt cau” đạt giải khuyến khích Hội nghị Lao động sáng tạo Trường đại học Y khoa Huế lần thứ II (2006); “Sáng chế giá cố định khung đầu để sử dụng Coil thân thay thế cho Coil đầu trong định vị bệnh nhân điều trị bằng Gamma đầu” - giải nhất Hội nghị LĐST Trường đại học y Dược Huế Lần III (2008); “Sáng chế giá INOX có trục lăn để nâng và xoay giường khi tiến hành điều trị bệnh nhân bằng dao Gamma thân” - giải nhì Hội nghị LĐST Trường đại học Y dược Huế Lần III (2008); “Ứng dụng dao Gamma để điều trị ung thư gan, ung thư phổi tại Bệnh viện Trường đại học Y dược Huế từ năm 2006-2009”, giải C, giải thưởng Cố đô về KHCN lần thứ II (2011); “Bể xử lý nước thải bệnh viện cải tiến (mới)” - giải nhì Hội nghị LĐST Trường đại học Y dược Huế Lần V (2012). Gần đây, anh cùng một số đồng nghiệp nghiên cứu làm một bể xử lý chất thải của bệnh viện và đã đưa vào sử dụng.
|