ClockThứ Năm, 12/03/2015 10:47

Nhắc nhở và cổ súy…

TTH - Tháng Giêng, lễ hội rộ nở. To nhỏ có thể khác nhau, song điểm chung là miền nào cũng có lễ hội và bao giờ cũng gắn với văn hóa tâm linh.

Nghề nghiệp cho tôi cơ hội được đi đây đi đó nhiều. Và trong những chuyến “ngao du” như thế, tôi thường cố gắng hòa mình để được trải nghiệm cùng lễ hội ở các vùng miền. Để rồi cuối cùng, tôi tự ngẫm và tự thấy hạnh phúc rằng, so với nhiều nơi khác, Huế có lẽ là nơi còn giữ được nét thanh khiết, thiêng liêng nơi đình chùa miếu mạo. Đây có lẽ là nơi còn lại hiếm hoi mà ở đó con người ta tìm được sự thanh thản, yên bình khi đi chùa lễ Phật, khi được tự mình dâng một nén hương hay chắp tay khấn nguyện trước một chốn tôn nghiêm nào đấy… Không như nhiều nơi, thấy thịt cá ê hề nơi cửa Phật, thậm chí còn cả được dâng lên tận bàn thờ Tam bảo. Không như nhiều nơi, tiền lẻ được người đi lễ rải đầy từ gốc cây, lòng giếng, thậm chí cả “nhồi nhét” vào tay các pho tượng thánh, tượng Phật. Không như nhiều nơi, đồ vàng mã được dâng cúng tràn lan, các lò “hóa vàng” cứ nghi ngút cháy ngày này qua ngày khác,…

Cứ ngỡ tự mình ngẫm, tự mình vui thế thôi. Không ngờ, những gì mình ngẫm, mình tự hào với Huế đã được không ít người công nhận, xác tín khi mà mùa lễ hội Ất Mùi 2015 mới khởi động, ở nơi này nơi khác đã bộc lộ nhiều bất cập, tai tiếng.

Vui cho Huế mình. Nhưng… chợt nhiên vẻ mặt nhăn nhó của một người bạn vong niên hiện về khiến tôi thảng thốt. Ông là một người Huế roòng, là một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu được nhiều người nghe danh, đồng thời là một phật tử thuần thành, có uy tín với giáo hội. Ông “nhăn nhó” với tôi là bởi vì những lần về Huế gần đây, ông thấy người Huế dạo này sao đốt vàng mã nhiều quá, thấy cái “chất Huế” trong một số người trẻ hình như đã loãng đi, thấy cái chất “thiền” trong một số nhà tu hành đã không còn đậm nữa… Và ông lo lắng. Không chấn chỉnh thì sự biến tướng lễ hội ở Huế không chóng thì chầy cũng sẽ diễn ra. Trách gì ông bạn của tôi không nhăn nhó cho được.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Bên cạnh những chỉ dấu đáng lo trên thì ở Huế cũng đã xuất hiện những lối hành xử tiến bộ, hợp thời và rất dễ thương. Chẳng hạn, thay vì đốt vàng mã, thay vì ma chay đình đám thì có người lại dồn tiền để mua chim, mua cá phóng sanh “cầu vãng sinh” cho người quá cố. Việc làm này tuy mang tính tâm linh nhưng lại có ý nghĩa to lớn với môi trường. Lại có đám bao nhiêu tiền phúng viếng được người nhà dồn tất để mua gạo, mua quà tặng người nghèo. Hay như tết vừa rồi, có sư cô đã dùng tất cả số tiền được phật tử “lì xì” mang tặng hết cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế…

Nhắc nhở, chấn chỉnh cái chưa hay, cái lệch lạc; cổ súy, khích lệ cái tích cực, cái tiến bộ là trách nhiệm chung của cả chính quyền, của những người làm văn hóa, của báo chí chúng tôi và của cả những người tu hành chân chính. Làm tốt những việc đó chính là chung tay giữ gìn nét đẹp, chung tay giữ gìn uy tín, “thương hiệu” mà Huế đã tạo dựng, trao truyền qua bao thế hệ…

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top