Chẳng biết mệ Lựu bán bánh từ khi nào nhưng hầu như cả vùng Kim Long mỗi chiều đều quen với gánh bánh rong của mệ. Cái dáng khom khom, gương mặt lúc nào cũng như giấu trong chiếc nón lá cũ khiến ai nhìn mệ cũng dễ thương cảm. Nhiều khi mua bánh, tôi nghe mấy mệ hàng xóm trạo miệng: “Nhìn người là chộ cực”! Mà đúng là cực thiệt, bán bánh bèo, bánh lọc mần răng không cực. Dậy sớm nhồi bột, làm nhân, bắt bánh… quang gánh rong ruổi khắp mọi con đường nắng cũng như mưa. Rứa mà có lúc mệ tự hào khoe với khách: “Cả đàn con tui nhờ gánh bánh ni”!
|
Nhìn vô thau bánh lọc mệ Lựu đã thấy thèm.
|
Ăn bánh của mệ quen miệng nên nhiều khi ăn ở hàng quán khác, mẹ tôi cứ so sánh: “Không bằng một góc bánh mệ Lựu!”. Không phải nói ngoa nhưng nhiều người ở Kim Long đều thừa nhận: “Nhứt bánh mệ Lựu!” Bánh bèo mệ đổ khuôn dày dặn, trăm cái như một. Độ dày lớp bột đều rí, tưởng như người ta lấy cái thanh mà gạt ngang lúc đổ bột. Bỏ vô miệng bánh mềm, dẻo mà thơm. Bởi rứa bọn con nít mới ưa. Còn bánh lọc thì đúng là “thương hiệu mệ Lựu”. Chưa ăn, nhìn vô thau bánh đã chảy nước miếng. Nhân tôm rim giòn vừa phải, miếng thịt mỡ nhỏ béo xua tan cảm giác ngọt ngấy của tôm. Điều đặc biệt là mệ luộc bánh không chín quá nên bánh chỉ thấp thoáng màu đỏ của tôm, màu vàng của mỡ. Chẳng hiểu lý do để bánh chín vừa phải như vậy để làm gì, nhưng bọn bạn bè tôi thuở nhỏ vẫn phán chắc nụi: “Để không ai chộ con tôm to, nhỏ mà đòi đổi bánh, lựa bánh”. Phủ trên thau bánh là màu xanh của hành lá. Loại hành chỉ nhỏ bằng nửa ngón tay út con nít, xắt khúc bằng nhau. Xen điểm là lớp ớt đỏ và tóp mỡ. Chính tóp mỡ là lý do khiến bọn trẻ phân bì nhau khiến đôi khi gánh bánh của mệ như cái chợ của tụi con nít, xôn xao một góc đường xóm.
Bẵng đi một lúc lâu, không còn nghe tiếng rao “Bèo lọc đâ..â…y” của mệ, dân trong xóm tôi có người bảo: “Chắc mệ già rồi, nghe đâu nhiều bệnh lắm, nằm liệt giường”. Vậy là thương hiệu “bánh mệ Lựu” vắng bóng từ đó. Nhiều lúc đi trên đường nghe tiếng rao, tôi lại mường tượng cảnh mệ rót nước mắm sóng sánh từ chai thủy tinh nút lá chuối tươi ra dĩa, lấy chiếc xăm tre vạt chéo đầu góc quẹt tí tương ớt, rồi bọn con nít hít hà… Rồi mới đây, những người già loan tin: “Bánh mệ Lựu tái xuất! Con gái mệ Lựu kế nghiệp”. Tất nhiên là chất lượng không thay đổi, vì thế, lũ trẻ con bây giờ nhiều đứa tới giờ cầm dĩa ngồi chực nghe tiếng rao là lao ra ơi ới: “Bánh! Bánh”. Con mệ Lựu ngoài 50 tuổi, cột thúng bánh trên xe, đỡ hơn cái thời mẹ phải cuốc bộ. Bánh ngon nên một giờ chiều ra đường, bốn giờ chiều hết veo. Thế nên muốn ăn, phải đón đường lúc sớm mới có. Hỏi chuyện mới biết mệ Lựu chừ làm “cố vấn” cho con. “Bánh có tiếng từ trước nhưng mần răng mà giàu được o ơi! Chỉ đủ tiền đi chợ như mạ tui hồi xưa”, người kế nghiệp mệ phân trần. Khách mua quen từ trước thương cảm: “Giá có chút vốn! Chắc thương hiệu “bánh mệ Lựu” sẽ bay xa ra khỏi xứ nhà vườn, không chừng ra cả tỉnh, cả nước”! Nhưng đó là ước vậy thôi, còn tôi vẫn mong được ăn bánh chân truyền của mệ Lựu dài dài, cả thế hệ con của tôi nữa.
L.Tuệ