ClockThứ Tư, 12/08/2015 16:18

O xôi bắp

TTH - Non trưa. Nghe tiếng người vọng vào, ngỡ ai đến chơi cuối tuần. Hóa ra là o bán xôi bắp đánh tiếng mời mua hàng. Đã đến giờ nấu cơm trưa nhưng nhìn vẻ mặt của o, lại không nỡ chối.

Bát xôi bắp chỉ có năm ngàn đồng mà đầy ứ. Những hạt bắp trắng ngà, bên trên rải mấy lát khoai lang vàng nhạt, điểm thêm ít muối mè và chừng muỗng dầu phi thơm phức.

O bảo nhà ở tận Kim Long, đạp vòng vèo khắp phố mà mới vơi được phân nửa. “Bây chừ nhà mô cũng khá hơn nên món bắp ni ế lắm”, o phân trần.

Nhâm nhi từng muỗng xôi bắp trong một ngày chớm lạnh thất thường, lại nhớ những bữa xôi bắp thay cơm ngày bé. Trong khu vườn rộng, mẹ trỉa rất nhiều bắp. Mùa thu hoạch, bắp khô được buộc nguyên trái, treo lên gác bếp, phòng khi giáp hạt. Những ngày đông lê thê, chúng tôi quây quần bên bếp lửa to, thi nhau lẩy bắp. Vừa làm, vừa nghe mẹ kể chuyện cổ. Mẹ chỉ học hết lớp 5. Lớn lên lúc chiến tranh khó khăn, bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu được là mẹ đã đọc sách khi nào mà biết rất nhiều. Từ cô Tấm chui ra từ qủa thị cho đến cậu bé A La Đanh với cây đèn thần…

O bán bắp bảo, để nấu được gánh bắp khó lắm. Phải chọn bắp cồn Vĩ Dạ mới mềm, dẻo và ngon. Bắp khô được ngâm qua đêm trong nước ấm, rồi nấu lên thật sôi. Phải dùng chiếc rá to, chà xát mạnh bằng nùi rơm để bắp bong hết lớp vỏ bên ngoài trước khi được đãi sạch. Để bắp mềm và trắng, phải chần qua nước vôi ăn trầu pha loãng, sau đó xả sạch, rồi nấu thêm mấy bận nữa, cho đến khi bắp nhừ, mềm, dẻo như xôi. Có lẽ vậy mà nón bắp được kèm thêm từ xôi, xôi bắp.

Các phụ gia đi kèm cũng khá cầu kỳ với khoai lang hấp chín, bỏ vỏ, giã tơi, trộn với đậu xanh. Đậu cũng phải hấp kỹ lưỡng, sao cho vừa chín tới nhưng không bị ướt hay quá khô. Khoai và đậu được gói chặt, nén kỹ trong một bọc vải, tạo thành khối nhỏ, được thái từng lát mỏng, rải lên mặt bát bắp, kèm thêm muỗng muối mè hay đạu phộng giã nhỏ, thêm muỗng đường và một ít dầu phộng phi hành. Khi trộn đều, bát bắp dậy lên vị thơm dễ chịu…

“Nhiều hôm ế quá, tui đem về cho cả nhà ăn thay cơm. Tính không bán nữa nhưng con sắp vô học chưa có tiền mua sách vở, nên phải liều mà làm…” O thủ thỉ, trước khi rời xe đi xa, với rổ bắp to đèo phía sau, đậy tấm lá chuối xanh chấp chới.

Không biết do trời làm giông hay câu chuyện của o bán bắp mà trưa ấy thật khó ngủ. Tôi buột miệng kể cho con nghe những bữa xôi bắp trừ cơm thời thơ ấu. Cậu bé nhíu mày, không mấy hào hứng.

Có lẽ phần lớn bọn nhóc thời nay đều thế. Không muốn nghe nhiều chuyện ôn nghèo, kể khổ. Với chúng, những buổi ngao du siêu thị, nhà sách, bể bơi… và những trò trên mạng với hai từ “hưởng thụ” hấp dẫn hơn nhiều.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top