ClockThứ Năm, 09/04/2015 13:28

Rau rừng &cá suối

TTH - Lần đầu tiên dùng bữa với ẩm thực của đồng bào vùng cao A Lưới, tôi bị hấp dẫn bởi món rau dớn xào tỏi và luộc. Hấp dẫn bởi hương vị lạ và ngon, ăn vào chan chát, mềm mềm, giòn giòn, ngọt thanh, hơi nhớt giống như mồng tơi, nói chung là không lẫn với một loại rau nào khác mà tôi có dịp thưởng thức. Hỏi tên, lúc đầu nghe bà con gọi một cách chung chung mà cũng rất đáng nhớ là rau rừng. Tìm hiểu kỹ mới biết, tên gọi là rau dớn.

Thì ra, rau dớn là loại rau chính của đồng bào Cơ Tu và Tà Ôi mình ở vùng cao A Lưới. Nó được xem là “vua” của các loại rau ở đây, bởi không chỉ giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là đặc sản đãi khách trong các dịp lễ hội và là sản phẩm du lịch ẩm thực của đồng bào ít người A Lưới. Từ rau dớn, người ta có thể chế biến nhiều món ăn dân dã, như dớn luộc, dớn xào tỏi, dớn nấu canh… Loại rau này chỉ có ở vùng núi rừng, nơi bờ suối, con khe, bên những tảng đá, dưới những tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao và tránh được ánh nắng mặt trời. Rau dớn mọc xen lẫn với các loại cây cỏ khác, nhưng ở một số nơi có thể mọc thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Đặc biệt, tên gọi “rau rừng” dành cho dớn thật xứng danh, bởi nó chỉ thích hợp với môi trường núi rừng hoang dã, khó mà trồng được ở vườn nhà.

Rau dớn có quanh năm, nhưng chính vụ là vào mùa mưa. Núi rừng trở nên ẩm ướt, lúc này rau dớn mới thi nhau mọc lên những nhánh non tươi tốt. Thoạt nhìn, ngỡ như dương xỉ nhưng nhỏ hơn với cành dài cùng lá nhỏ xòe đều từ cuống chính. Điểm dễ nhận dạng của loại rau rừng này chính là phần đầu cong cuốn tròn lại như vòi voi, phủ một lớp lông tơ trắng mỏng. Ít người được biết rằng, trong những năm tháng chiến tranh, rau dớn được bộ đội sử dụng như một món ngon cải thiện bữa ăn và cung cấp dinh dưỡng hiệu quả. Chỉ cần hái với số lượng đủ dùng, rửa sạch và đem luộc là có ngay món ăn đơn giản mà chẳng tốn nhiều thời gian. Rừng núi phía tây Thừa Thiên Huế mênh mông và bát ngát thế kia, nhưng xem chừng rau rừng kiểu như rau dớn cũng chẳng thấy nhiều. Ở vùng cao A Lưới, ngoài rau dớn (a dong), chỉ thấy bà con nhắc đến vài loại nữa thôi, như ra tàu bay (bhơi lúh), rau má (cờ bá), rau dại ven suối (a rui)…

Rau rừng gắn liền với cá suối là ấn tượng khó quên về ẩm thực vùng cao A Lưới. Cũng như rau rừng, cá suối là tên gọi chung của tất cả những loại cá bắt được ở những con suối vùng cao, một cách gọi dân dã và đầy tự hào. Từ những con cá đánh bắt được từ suối nguồn kia, qua tay của bà con Cơ Tu hay Tà Ôi, được chế biến thành các món ăn ngon và lạ, kiểu như cá nướng, cá nướng ống, mắm cá, cá gói lá rừng vùi tro… Mỗi thứ có một kiểu ngon khác nhau, nhưng một lần thưởng thức là nhớ mãi. Tôi thích món cá lúi nướng, không phải làm ruột, không nạo vảy, không ướp bất kỳ gia vị nào mà chỉ cần rửa sơ bằng nước suối rồi đem nướng. Vậy mà vừa béo, vừa giòn, lại vừa bùi, ăn mãi không chán. Cá sông, cá biển chỉ cần ra chợ là có ngay, còn con cá suối phải tự đi câu, đi lưới mới kiếm được. Cũng có thể mua nhưng không có được nhiều, của hiếm lại càng thêm ngon là vì thế.

Buổi tối lang thang trên mạng bỗng bắt gặp mấy dòng blog của nhà văn xứ Huế - Văn Công Hùng kể chuyện tếu táo về tiệc rau dớn xào với nhà thơ Nguyễn Duy. Hùng kể, rằng khi bưng đĩa rau dớn lên mời khách thì Nguyễn Duy phát hiện là sao nó… ít quá. Thế là tôi (Văn Công Hùng) lò dò xuống bếp hỏi. Gã đầu bếp thật thà: Nó ngon quá nên chúng em mỗi đứa làm… một gắp. Đọc chỉ mấy dòng ngắn kia mà tôi bỗng nhớ quay quắt hương vị rau dớn và mùi vị cá nướng mới được thưởng thức cách nay không lâu ở A Lưới. Đúng là ngon thiệt là ngon cái món rau rừng, cá suối nơi vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế quê mình.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top