Sử cũ chép lại, khu vực ngã ba Bằng Lãng được xem là ranh giới giữa hai vùng ngược - xuôi của vùng đất Thừa Thiên Huế. Từ đây trở lên là rừng núi hoang vu, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người, như Ca tu, Tà ôi… và, cũng bắt đầu từ đó xuống đồng bằng là lãnh địa của người Kinh. Trong bộ sử nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”, cụ Lê Quý Đôn cho biết, thời chúa Nguyễn một sở Tuần đã được thiết lập tại ngã ba Bằng Lãng. Còn “Quốc sử quán triều Nguyễn” sau này thì cho hay, vị vua đầu triều nhà Nguyễn là Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã cho đặt Tuần Hộ sở tại đây. Một lực lượng quân đội đồn trú ở ngã ba thượng nguồn sông Hương này để làm nhiệm vụ bảo vệ phía tây kinh thành Huế. Bên cạnh đó là lực lượng tuần hà khám xét và thu thuế các thuyền bè chở sản vật từ thượng nguồn sông Hương về kinh thành. “Tuần” do thế có nghĩa là tuần tra, là canh gác.
Cũng bởi vị trí đặc biệt quan trọng của Tuần nên ngày xưa từ đồng bằng lên tới Tuần được xem là đã đến núi rừng. Còn với người vùng cao, mọi thứ giao lưu với miền xuôi đều gần như dừng lại nơi đây. Từ những sản vật săn bắt, hái lượm và cả đặc sản làm ra (như dệt zèng), bà con vượt núi băng rừng về tới Tuần mua bán và trao đổi với người Kinh để mang lên bản làng những đồ dùng cần thiết cho một sống văn minh. Sự ra đời của chợ Tuần hàng trăm năm trước do thế đóng một trọng trách quan trọng là chợ cửa khẩu, là nơi trung chuyển trao đổi mua bán giữa vùng núi và đồng bằng, những nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư có bản sắc văn hóa riêng biệt và trình độ tổ chức kinh tế - xã hội phát triển chênh lệch nhau rất lớn.
Có thể nhiều người vẫn chưa rõ, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công hầu như ít có tác động đối với đồng bào các dân tộc ít người miền tây Thừa Thiên Huế. Tuy vậy, một số ít bà con khi về Tuần trao đổi hàng hóa đã nhận thấy được sự thay đổi của cuộc sống vùng đồng bằng. Đó là những hình ảnh về xây dựng chế độ mới dân chủ cộng hòa; xóa bỏ tàn tích và tập tục của chế độ phong kiến, thực dân; thực hành lối sống mới của đồng bào người Kinh…Họ xem hình ảnh đó như là những câu chuyện huyền bí, dù rằng chưa hiểu vì sao đồng bào đồng bằng có thể làm được. Cũng từ đó, bà con bắt đầu có những cảm nhận tốt, sẵn sàng tiếp nhận và đi theo con đường cách mạng của Đảng. Không phải suy đoán mà đó là sự thật lịch sử.
Nếu ngã ba Tuần được hiểu với nghĩa là tên gọi chung của cả một vùng đất rộng lớn nơi thượng nguồn sông Hương thì những danh xưng còn lại mang tính “ăn theo” như chợ Tuần, bến đò Tuần, cầu Tuần… lại như một sự bổ sung làm giàu thêm giá trị văn hóa của cả một vùng đất. Lần theo dấu tích thời gian, sắp xếp lại các tên gọi, tiếp theo sau sở Tuần là sự ra đời chợ Tuần, bến đò Tuần, cầu Tuần… người ta sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển của vùng đất có vị trí đặc biệt này. Hãy dừng với giao thông đi lại, hàng trăm năm trước khi cư dân các nơi hội tụ về ngã ba Tuần lập ấp và dựng nghiệp, từ khu vực chợ Tuần có chuyến đò ngang sang làng Hải Cát (dân gian gọi là Trẹm) và lăng Minh Mạng (làng La Khê Bãi) theo trục đường nên bến đò Tuần còn được gọi là bến đò Ba Bến. Sau trận lũ lịch sử 1999, cầu Tuần hiện đại đã được xây dựng ở phía hạ lưu chợ Tuần. Nằm trên con đường vành đai thành phố Huế (đường tránh Huế), cầu Tuần thay thế cho bến đò Tuần năm xưa là biểu tượng cho hình ảnh vùng đất nơi chung dòng của hai nguồn Tả trach và hữu Trạch nói riêng và đô thị Huế nói chung hội nhập và phát triển.