Chủ Nhật, 19/07/2015 18:40
(GMT+7)
Tháng 7, mùa vọ bay
TTH - Mấy hôm trước, có dịp ra đầm phá, trong tiết trời hanh nắng không một gợn mây, chợt nhớ đúng vào khoảng thời gian của tháng 7 hằng năm, trên bãi nước đầm Chuồn cách đây chừng chục năm về trước, người dân nơi đây quen với cách gọi gần gũi là “mùa vọ bay”. Con vọ là cách gọi của người địa phương, người thành phố thì gọi là ghẹ. Tháng bảy, là thời điểm độ mặn của đầm Chuồn lên cao nhất, khi con nước vừa lên lần đầu trong ngày cũng là lúc mặt trời cao lưng chừng trưa. Thời điểm này, hàng chục ghe thuyền cùng hướng ra bãi nước của Đầm Chuồn để săn bắt vọ là hình ảnh thường thấy ở đây. Khi thủy triều lên, cũng là lúc vọ đi kiếm ăn, dưới ánh nắng chói chang của mùa hè tháng 7, có khi cả đàn vọ bay trên mặt nước tạo nên một không khí săn bắt rộn ràng. Một chiếc ghe, một cây sào gắn thêm một cây vợt lớn dùng để xúc vọ là tất cả cho một chuyến đi săn.
Đầm Chuồn hồi đó là một bãi nước trống, trong xanh và thoáng đãng, người dân nơi đây đánh bắt và khai thác chủ yếu bằng những phương thức thủ công thô sơ. Vậy nên, có thể nói số lượng các loài thủy sản ở đây lúc nào cũng phong phú và tươi ngon. Tháng bảy cũng là mùa kết trứng, ghép đôi và sinh sản của loài vọ. Vì vậy, đánh bắt vọ ở thời điểm này vừa cho sản lượng nhiều mà chất lượng của vọ là ngon nhất, đồng nghĩa với giá bán sẽ cao.
|
Ban ngày nước lên cao, vọ lại bơi và bẻ lái rất nhanh nên thường ít khi xúc được. Săn vọ ban ngày thì khó, nhưng ban đêm thì có phần dễ hơn, khi còn nhỏ thường được ba cho theo “đi trể” (một nghề trên đầm phá). “Đi trể” – một nghề làm vào ban đêm. Một chiếc thuyền gỗ, một cây tre với nhiều nhánh bổ làm hai buộc một bên mạn của chiếc trể, làm sao cho các nhánh tre hướng xuống mặt đất. Chiếc trể phải nghiên một góc cố định, khi di chuyển, các nhánh của cây tre buộc bên mạng trể phải là là chạm vào mặt đất. Đây là yếu tố quyết định đến thành quả của một đêm làm nghề. Ba mình đi sau phần lái của chiếc trể, đẩy chiếc trể đi về phía trước. Các nhánh tre cứ thế lia quét trên đầm phá, chúng chạm vào các loài tôm cá (chủ yếu là tôm rằn), theo bản năng, khi bị tác động những con tôm lại búng ngược lên trên mặt nước, rồi rơi vào trong lòng chiếc trể đã nghiêng sẵn.
Vào tháng 7, nước có độ mặn cao, ban đêm mà lội nước thì sẽ tạo ra những vệt ngời sáng lóa. Đó chính là dấu hiệu để xác định con vọ đang bơi ở đâu thì sẽ có vệt ngời ở đó. Khi bị các nhánh tre tác động, theo bản năng con vọ sẽ bơi ra xa và đùn sâu vào trong các đám rong rêu, cỏ hẹ để ẩn nấp, cứ việc xác định những điểm ngời phát sáng mà bắt chúng. Mỗi đêm, mình và ba đã thực hiện không biết bao nhiêu cuộc rượt đuổi trên đầm phá để bắt vọ.
Những con vọ đầu mùa tháng 7 luôn chắc trứng, thịt thơm bùi là hương vị không thể lẫn vào đâu được.
Thời gian làm thay đổi quá nhiều, đầm phá quê mình giờ đây chằng chịt biết bao nhiêu là nò sáo. Nét đẹp của một vùng quê hào sảng cũng dần dần biến dạng...và “mùa vọ bay” giờ đây cũng chỉ còn là những kỷ niệm in hằn trong ký ức của người dân miệt phá.
Đắc Hát