ClockThứ Năm, 25/08/2011 14:26

Thú chơi máy bay mô hình ở Huế

TTH - Chiều chủ nhật, trên khoảnh ruộng ở Kiểm Huệ, hàng chục người chơi máy bay mô hình ngước nhìn những chiếc máy bay nhỏ đang bay lượn trên bầu trời xanh. Nhiều người trầm trồ tán dương trước những pha nhào lộn đẹp mắt, khi thì liệng cách mặt đất chỉ vài cm, khi lại xoắn mấy vòng trên không, lúc lại vừa bay ngược vừa quay tít…

Phi công... mặt đất

Đang bay, chiếc TREX 700 mới coóng của anh Quý gặp sự cố rơi xuống. Cánh vỡ tan. Anh cười méo xệch: “Rứa là bay đứt tháng lương rồi. Xót ruột lắm nhưng mình chấp nhận thôi. Chơi trò này thiệt hại là chuyện thường”. Ông Bùi An Bình, người chơi máy bay mô hình (MBMH) thâm niên nhất chạy lại xem xét nguyên nhân MB gặp nạn rồi mấy bác cháu cùng loay hoay với ốc, vít sửa chữa...
 
Ông Bình là người chơi MBMH đầu tiên ở Huế. 72 tuổi, có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với thú chơi này, ông chia sẻ: “Bác đam mê MBMH từ nhỏ. Hồi đó, bác mơ ước có được chiếc MB để chơi nhưng làm gì có. Khi khoa học ngày càng phát triển, MBMH trở nên thông dụng, bác theo đuổi thú chơi này”. Ông Bình chỉ cho chúng tôi chiếc MB cánh bằng đang bay lượn trên bầu trời do ông mới chế tạo từ tháng trước. Cánh được làm từ thùng xốp, càng đáp được làm từ chiếc móc nhôm treo quần áo, xương sống làm từ cần câu cá, gia cố thêm bằng... que tre xiên chả. Từ những vật liệu đơn giản ấy, ông gửi mua thêm động cơ, cánh quạt, pin... từ TP Hồ Chí Minh. Tất cả chỉ khoảng 1 triệu đồng. Chỉ có bộ phận điều khiển được ông trang bị xịn nhất (2 triệu đồng) dùng để điều khiển nhiều MB khác nhau. Đã từng chế tạo gần trăm chiếc MB, nếu có đủ các phương tiện trong tầm tay, ông Bình chỉ mất khoảng 1 tuần là có thể “xuất xưởng” một chiếc MB hoàn chỉnh. “Lúc đầu, bác mua một chiếc MB rồi mày mò học cách chế tạo. Chơi quen rồi ai cũng tự tạo MB được hết, chỉ cần nắm được nguyên tắc cấu tạo của nó. Cảm giác cất cánh chiếc MB do chính mình tạo ra sung sướng lắm, y như trẻ con làm được cánh diều và tung cánh nó lên bầu trời vậy”, ông Bình hào hứng. Bộ sưu tập của ông Bình hiện có 25 chiếc, đa số là do ông tự chế tạo.
 
Khởi động MB
 
Anh Lê Hồng Sơn dù mới gia nhập được 2 năm nhưng đã có thể “lái” MB một cách điêu luyện. Nâng niu MB như đứa con tinh thần, anh kể thời gian đầu đã phải “trả giá” rất nhiều, phá hỏng nhiều MB để có thể theo đuổi được đam mê này. “Mỗi lần MB bị rớt, mình mất nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân và cách sửa chữa. Càng bị rớt, mình càng say mê nghiên cứu, tìm tòi. Khi nó bay lại được, mình thấy hạnh phúc lắm. Chơi cái này phải nắm được kỹ thuật bay và kiên nhẫn, không bay ào ào được”, anh Sơn chia sẻ.
 
Không phải có tiền là chơi được
 
MBMH có 2 loại: cánh bằng và trực thăng. Mỗi chiếc MB sử dụng một loại động cơ khác nhau: Chiếc dùng xăng A92, chiếc chạy điện, chiếc dùng pin... Một chiếc MB có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. 
 
Anh Lê Thành Công cho biết, để có thể “lái” được như bây giờ anh đã phải tiêu tốn khá nhiều tiền. Cứ chơi lại hỏng, hỏng lại mày mò mua phụ tùng về sửa, có khi là mua vài cái mới. Vì thế, trong ý niệm của nhiều người, thú chơi MBMH là xa xỉ, chỉ dành cho các đại gia lắm tiền. Tuy nhiên, không hẳn cứ có nhiều tiền là chơi được. Để theo được thú chơi này, người chơi phải trải qua quá trình tập luyện khá vất vả mà nếu không đam mê, không kiên trì thì không theo đuổi được. Đầu tiên, những “tân binh” phải tìm tòi, nghiên cứu thông tin về kỹ thuật rồi mua đĩa CD về tập lái trên máy tính để làm quen các thao tác bay. Chỉ với thao tác cất cánh và hạ cánh mà đêm nào anh Công cũng thức đến 2h sáng, mất hơn tháng trời mới luyện được. Chỉ khi quen phản xạ, có cảm giác vững vàng thì mới dám điều khiển MB thật. Mới bắt đầu chơi, các “tân binh” chỉ dám mua chiếc Lama rẻ tiền bay thử. Dù đã được đào tạo bài bản như vậy nhưng khi bay thật, MB vẫn thường xuyên gặp nạn, nặng thì tan xác, nhẹ thì gãy cánh, cong trục,... “Nhiều khi tiếc đứt ruột, mới vừa ráp xong, chưa bay được vòng nào thì vỡ. Chưa nói đến tiền mà tiếc công của mình. Chẳng ai đã trở thành “pro” mà không đánh hỏng vài chiếc máy bay”, anh Sơn cho hay.
Kiểm tra MB trước khi cất cánh
 
Để có thể điều khiển MB “làm trò” trên bầu trời, người chơi mất rất nhiều thời gian luyện tập, nhanh thì vài tháng, chậm thì mất cả năm trời. Họ phải rất chăm chỉ tập luyện và kiên trì từng bước một. Ban đầu là động cơ điện, khi đã rành mới bay động cơ nổ. Từ những kỹ thuật bay cơ bản nhất là lượn, sau đó nâng lên từng cấp độ khó dần như xoay, nhào lộn, bay nghiêng, bay vòng…
 
Họ cũng phải am hiểu kỹ thuật để có thể điều khiển và sửa chữa MB. Ở Huế chưa có tiệm sửa MB nên đa số người chơi đều biết MB hư chỗ nào để sửa.
 

Cách đây hơn 4 năm, những người chung niềm đam mê tốc độ của chiếc MB nhỏ cùng nhau thành lập nên CLB MBMH. Đến nay, CLB quy tụ được 30 thành viên đủ mọi lứa tuổi với khoảng 100 chiếc MB đủ loại. Người chơi điêu luyện hướng dẫn, tập luyện cho người mới. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp nhau sửa chữa MB và tổ chức bay an toàn.

Đổi lại, MBMH giúp người chơi thoả niềm đam mê tốc độ và khám phá. Ngoài tính kiên trì, chơi MBMH còn luyện cho người chơi sự tập trung cao độ. "Đã cầm lấy bộ điều khiển để bay thì phải như là đang ngồi lái trên chính chiếc máy bay đó”, anh Công cho biết thêm.
 
Theo ông Lê Quý Trọng, chơi MBMH là môn thể thao hiện đại đầy tính khoa học. Vì vậy, những thành viên của CLB rất mong có một sân chơi để họ có thể tổ chức biểu diễn phục vụ cho người dân thưởng ngoạn, nhất là trong các dịp lễ hội.

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top