|
Ông Thành hát với đàn Ta lư
|
Hát cho dân nghe
Cứ ngỡ buổi chiều trên miền biên giới ở A Lưới sẽ hiu hắt buồn, nhưng từ đâu đó, tiếng nhạc, tiếng khèn văng vẳng xóa tan cảm giác sầu muộn của những con người miền xuôi lên miền ngược. Hỏi anh cán bộ xã Hồng Thái: “Tiếng nhạc đó từ đâu ra?”, anh chỉ tay về chiếc loa phóng thanh nhỏ phía đằng xa, nơi bản làng A Vinh. Và, người tạo ra thứ âm nhạc vừa du dương vừa sâu lắng là ông Nguyễn Văn Thành, đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Vòng qua những con đường bê tông nhỏ, chúng tôi “diện kiến” ông Thành trong lúc ông say sưa thổi khèn bè một bài dân ca của người Tà Ôi. Mấy chục năm rồi, từ lúc ông Thành nghỉ hưu, chiều chiều ông lại trải chiếu bên hiên, biểu diễn những bài dân ca, dân nhạc. Lúc đầu, ông hát chỉ để thỏa đam mê với “môn nghệ thuật” của dân tộc. Khi ý định truyền ngọn lửa đam mê đó đến khắp bản làng, ông sắm hẳn bộ loa, micro để tiếng nhạc vang xa hơn, nhằm phục vụ cho bà con thôn bản. “Dân ca, dân nhạc là nguồn sống của dân tộc. Ở các lễ hội lớn của người Tà Ôi không thể thiếu những bài dân ca. Lúc nhỏ, sau những ngày lên rẫy cùng ba mẹ, tui lại tập những bài dân ca để thỏa đam mê. Từ đó âm nhạc của dân tộc ngấm dần vào máu thịt. Rồi tui đi tìm những già làng, người lớn tuổi để bổ sung thêm kiến thức âm nhạc dân tộc cho bản thân mình”, ông Thành chia sẻ.
Ông Hồ Văn Ngoái, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: “Ông Nguyễn Văn Thành là một trong những nghệ nhân hát dân ca, làm nhạc cụ dân tộc của xã Hồng Thái. Ông Thành am hiểu chữ viết của dân tộc nên có đóng góp lớn trong việc truyền bá, khôi phục nét văn hóa của người Tà Ôi. Là một già làng có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Thành góp phần giúp bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, vận động, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”.
|
Trong những năm kháng chiến, ông Thành tham gia quân ngũ, là giáo viên kháng chiến, dạy lớp bình dân học vụ tại địa phương, làm dân vận. Rời quân ngũ, ông truyền ngọn lửa đam mê đó cho những thế hệ sau. Bởi thế mà 6 người con của ông ai cũng sành sỏi âm nhạc dân tộc.
Ông Thành bây giờ không còn nhớ rõ mình thuộc bao nhiêu bài dân ca của người Tà Ôi. Với ông, âm nhạc là một phần của cuộc sống đời thường, mỗi ca từ đều bắt nguồn từ đó. Và, ông tâm niệm, việc “hát cho dân nghe” giúp cho họ xua tan cái mệt mỏi sau ngày dài lao động; giúp cụ già lúc tập dưỡng sinh có dịp ôn lại những điệu dân ca tưởng chừng đi vào dĩ vãng; giúp những em nhỏ nghe để biết nhiều hơn, yêu hơn văn hóa của dân tộc mình. “Hiện nay, một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đang dần rời xa âm nhạc của dân tộc. Nếu tổ chức truyền dạy chưa chắc họ đã học nhưng cứ mỗi chiều hát cho họ nghe, thứ âm nhạc của dân tộc từ từ sẽ thấm dần vào mỗi con người, khơi dậy tính tò mò của người trẻ hôm nay. Tui làm việc này còn giúp mọi người có dịp nhìn lại nét văn hóa của chính tổ tiên của mình để lại”, ông Thành tâm sự.
Đam mê nhạc cụ
Chiếc A bel (một loại nhạc cụ của người Tà Ôi) đặt ở góc giường. Khi chúng tôi ngước nhìn loại nhạc cụ lạ mắt đó, ông Thành vội vã tiến đến lấy rồi biểu diễn cho chúng tôi xem. Ông bảo, loại nhạc cụ này ông biết làm từ lúc còn thanh niên. Khi tham gia quân ngũ, ngoài những giờ trên thao trường, lúc rảnh rỗi ông thường lấy loại nhạc cụ này để thư giãn và mở radio để tập các bài dân ca, dân nhạc. “Tuy có hình dáng, cấu trúc đơn giản nhưng để sử dụng được nó thì không hề dễ, người sử dụng cần có sự trải nghiệm”, ông Thành nói.
Ngoài A bel, ông Thành còn làm được đàn Ta lư và sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như, khèn bè, đàn ta lư, a bel, thanh la… Ông Thành cho biết: “Trong các lễ hội truyền thống của dân tộc, khi ca các làn điệu Chá chấp, Pa bóch, Pâr róch, Kâr lơi cất lên thì không thể thiếu các nhạc cụ truyền thống trên… Các nhạc cụ đó thể hiện sức mạnh của người Tà Ôi”.
Ông Thành là người thông thạo chữ viết của dân tộc Tà Ôi nên bên cạnh những bài dân ca, dân nhạc của dân tộc mình, ông còn chuyển lời một số bài hát của các dân tộc khác thành tiếng Tà Ôi để làm phong phú thêm vốn âm nhạc của riêng bản thân, rồi truyền tải các điệu dân ca đó đến với bà con bản làng, làm sống động hơn đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. “Ở vùng biên giới, không ít bà con còn chưa thông thạo tiếng Việt nên những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng cuộc sống ấm no bằng tiếng Việt được tui chuyển thành lời Tà Ôi để hát cho bà con nghe. Đó cũng là một cách tuyên truyền hữu hiệu về những chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến bà con dân bản. Tui cũng nghiên cứu chuyển lời những bài dân ca, dân nhạc khắp ba miền mà bà con rất ít có cơ hội tiếp cận và hát những bài hát đó bằng tiếng Tà Ôi và bảo con tui hát bằng văn bản gốc để bà con thưởng thức”, ông Thành chia sẻ.