Sau 1975, cứ xong mùa gặt là mấy đứa nhỏ như mình đêm nào cũng ra đồng lăn lóc chơi trò cút kiếm. Mình chạy thì thấy trăng chạy theo mình. Cứ thế lớn lên cùng bờ ruộng và trăng.
Giờ lớn tuổi. Một đêm ngồi trên đồi vùng Thiên An, sao thấy trăng không chạy như khi nhỏ nữa mà trăng cứ soi thẳng trên đầu. Nói thì vẫn cứ nói, chuyện thì vẫn cứ chuyện, trăng cứ đứng yên. Nhưng thật ra trăng vẫn chạy, vì thấy bóng mình nghiêng mỗi lúc một dài.
Hôm trước, chiều đi về biển, mình vẫn thấy trăng. Hôm trước mình đã viết thế này: “Mới sáu giờ mà trăng cách biển chừng gang. Không phải trăng mọc mà trăng chưa lặn”.
Không có ý ngắm trăng nên trăng có lúc đi vào bóng mây và trăng lặn khi nào không biết. Đêm Kim Sơn nó tĩnh mịch đến lạ lùng.
Xa nông thôn lâu quá. Vả lại nông thôn bây giờ cũng đèn điện, đã khác xưa, nên ít nghe đến khái niệm “mùa trăng”. Nhưng mùa trăng là gì nhỉ? Có người nói mùa trăng là một tháng. Người lại bảo, một mùa trăng là có hàm ý chỉ một năm. Xem ra có lý. Vì không thể hiểu rằng “thế là bao mùa trăng đã qua” là một thời gian ngắn được. Nhưng gọi sao thì gọi, “mùa trăng” vẫn là một khái niệm thời gian. Một cách gọi thời gian mơ hồ nhưng dễ hiểu, đầy chất văn chương.
Ở đâu đó cuộc sống hiện đại lấn át thì mùa trăng cũng xa dần. Còn với đồng bào nhiều dân tộc trên khắp đất nước này, mùa trăng vẫn còn in đậm trong tín ngưỡng dân gian và nó đã trở thành một sản phẩm văn hóa lâu bền. Ví dụ như dân tộc Tày ở vùng Tây Bắc, quan niệm trên cung trăng có “mẹ trăng” vì vậy mà có lễ hội Cầu trăng diễn ra hàng năm vào rằm tháng tám. Đối với bà con đồng bào Khơ Me Nam bộ, mặt trăng được xem như một vị thần phù hộ mùa màng nên người Khơ Me Nam bộ hàng năm tổ chức lễ Cúng trăng với những nghi thức trang nghiêm vào dịp rằm tháng mười âm lịch… Đối với nhiều bà con đồng bào dân tộc ít người, mùa trăng thường gắn liền với lễ hội. Còn với người dân sóng nước, mùa trăng như là mùa của sự nghỉ ngơi. Ở đâu không biết nhưng với người dân đầm phá, mùa trăng là mọi hoạt động khai thác không diễn ra. Vì thế, mùa trăng có ý nghĩa góp phần tái tạo sản vật thiên nhiên.
Thì ra trăng quá quan trọng với con người. Trăng tạo nên những cảm xúc cho văn chương chữ nghĩa. Trăng là yếu tố vật chất hết sức cụ thể để nuôi dưỡng những nét văn hóa truyền thống. Trăng góp phần cân bằng tự nhiên thô mộc…
Cuộc sống hối hả có khi đưa đẩy con người xa dần các mùa trăng. Và có một lúc nào đó, trăng vẫn vằng vặc trên đầu. Như đêm nay, trên đồi Kim Sơn, ngồi thấy bóng mình mỗi lúc dài thêm dưới ánh trăng.