ClockThứ Năm, 30/07/2015 23:09

Tre làng

TTH - Nghe tin bão xa, các con gọi điện về quê hỏi thăm tình hình sức khỏe của ba. Ông bồn chồn bảo, sức khỏe của ba thì khỏi lo, chỉ lo căn nhà không trụ được. Xưa nhà cửa tuềnh toàng nhưng nhờ có bờ tre làng bao bọc nên tránh được bão. Nay, nhà đã vững chắc hơn nhưng tre thưa dần, trống quá nên cả gió.

O ruột tôi bây chừ đã ở tuổi xế chiều. Mỗi lần kể chuyện xưa, o lại nói về tre. Trong ký ức của o, tre làng thời chiến tranh vững chắc như lũy thép. Trong vườn nhà rậm rịt tre, o đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ. “Có khi, tre ém được cả một đội quân du kích ngay bên hông địch”, o tự hào.

Tháng Bảy. Con đường về làng hanh hao hơn thời chúng tôi còn bé vì tre đã thưa thớt lắm. Những ngôi nhà xây đều được bao bọc bằng hàng rào sắt hoặc xi măng. Con đường cái của làng cũng đã được bê tông mấy năm rồi.

Khi chúng tôi còn bé, quê nghèo đất cát trắng phau nên mùa hè nóng bỏng chân. May sao đường làng dài mấy cây số có hai bờ tre đan nhau mát rượi. Những gánh lúa ngày mùa nhờ vậy mà bớt đi những giọt mồ hôi. Sau quãng chợ xa, sau giờ tan học, đến con đường làng, ai cũng ngã nón nghỉ một lát. Râm ran chuyện trò…

Lâu ngày về quê, ghé thăm người hàng xóm làm nghề đan rổ. Hỏi chuyện, cụ bảo đã giải nghệ lâu rồi. Thời hay nhà nhà dùng đồ nhựa, còn ai dùng đến thúng mủng, dần sàng nữa mà đeo nghề.

Trong căn nhà xưa của chúng tôi, hãy còn một chiếc nôi tre lên nước bóng loáng. Đôi triêng gióng và chiếc đòn gánh mòn vẹt của mẹ vẫn còn đó. Lặng lẽ góc nhà. Chị cả đùa: Phải giữ kẻo mai mốt không còn tre, lấy chi để nhớ?

Một hôm lang thang trên phố, gặp cửa hàng mỹ nghệ được chế tác từ tre. Bao nhiêu là sản phẩm. Kể cả những gốc tre đầy rễ đã được bứng lên, phơi khô, hóa thành vô vàn hình thù ngộ nghĩnh. Ông chủ cửa hàng bảo, khách bây chừ chơi đồ tre chỉ chuộng những mặt hàng làm từ gốc và rễ tre.

Có lẽ một phần vậy mà chẳng mấy chốc, tre làng sẽ không còn gốc để sinh sôi, nảy nở, mà nên lũy, nên thành (?)…

Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top