Thứ Năm, 24/09/2015 15:39
(GMT+7)
Trung thu là của tuổi thơ
TTH - Có nhiều giai thoại và tích cũ, nhưng với người Việt, Trung thu gần gũi và gắn liền với truyền thuyết “chú Cuội ngồi gốc cây đa”. Chuyện rằng, xưa có gã tiều phu tên Cuội có cây thuốc quý, lá cây có phép “cải tử hoàn sinh”. Là người tốt bụng, chú Cuội đã dùng cây thuốc quý kia cứu giúp bao người chết đi được sống lại. Vợ chú Cuội, cũng là người được chú cứu sống bằng lá cây thuốc quý, bị kẻ xấu làm hại nên mắc bệnh lú lẫn. Ðã bao lần, chồng dặn vợ: “Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Ðông, cây dông lên trời!”. Vợ Cuội vừa nghe dặn xong đã vội quên ngay. Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, cứ nhằm vào gốc cây quý mà đái. Không ngờ, chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời. Vừa lúc đó, Cuội về đến nhà. Chú hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Từ đấy, Cuội ở luôn trên trời với cả cây thuốc quý.
Tết Trung thu bắt đầu có từ truyền thuyết “chú Cuội ngồi gốc cây đa”. Nó còn gọi là “Tết trông trăng”. Đêm rằm tháng tám, người ta ngồi chờ, ngắm nhìn trăng lên và tưởng tượng tới hành trình chú Cuội thủy chung và gan góc bám lấy gốc cây thuốc và từ từ bay lên trời đầy thi vị và lãng mạn kia. Từ truyền thuyết “chú Cuội ngồi gốc cây đa” mà người đời giải thích, lúc trăng tròn, những chỗ lõm của mặt trăng được nhìn thấy có hình dạng nối liền giống như một cây đa là lúc chú Cuội và cây thuốc đã lên tới trời, mãi mãi không còn trở về nơi dương thế nữa. Cũng có một thời gian dài hầu như không có lễ hội trăng rằm. Đó là thời điểm đất nước gặp khó khăn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, lấy đâu có được mâm cỗ và các loại đồ chơi. Thế nhưng, khó khăn đã không cấm được người đời ngắm trăng và tưởng tượng!
Trẻ em rất mong đợi được đón Tết Trung thu vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân,... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào đêm hội rằm, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát, vừa ngắm trăng phá cỗ. Và rồi, khi mà đời sống kinh tế đất nước ngày một khấm khá, Tết Trung thu cũng được chăm chút hơn. Thời gian dành cho Trung thu cũng được kéo dài hơn khi cả tháng trời trước đêm rằm đã thấy phố xá ngập tràn bao thứ đồ chơi, bánh trái đầy những sắc màu. Đêm rằm Trung thu cũng được kéo dài ra với những hội múa lân bắt đầu từ trước đó cả tuần lễ và nối dài thêm cả những đêm sau đó. Người ta đưa Trung thu vào trường học, đem Trung thu đến với những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như một sự chia sẻ. Những đổi thay của Trung thu theo hướng vui hơn, giàu tính nhân văn làm ấm lòng bao con trẻ, khiến cho đêm hội rằm càng trở nên gần gũi và thân thương hơn. Thế nhưng, người đời cũng bất chợt giật mình khi chiếc bánh hay những quà tặng Trung thu có giá cao ngất ngưởng. Nó không dành cho trẻ con mà là của người lớn biếu xén nhau mỗi độ trăng rằm tháng tám.
Trung thu đúng nghĩa phải là Tết của tuổi thơ. Ôn lại truyền thuyết xưa là cách hướng tới một Trung thu phải đẹp và trong sáng như câu chuyện “chú Cuội ngồi gốc cây đa” kia.
Đan Duy