ClockThứ Tư, 24/09/2014 22:28

Về làng

TTH - Huế mấy ngày ni trời đẹp như trong văn Thanh Tịnh; có mây bay, có gió nhẹ, có những cơn mưa ngang qua và nắng không còn nóng nữa… Đi xem giải bóng đá tỉnh vì nghe có đội bóng Phong Điền đá. Đến sân thấy toàn những gương mặt quá quen của những cầu thủ chuyên đi đá “chầu”. Hỏi ra mới biết đội bóng của mấy huyện, thị xã toàn thuê cầu thủ ở Huế đá nên không còn hứng thú chi nữa. May mà có mưa. Ngồi trên khán đài sân Tự Do nhìn một màn mưa khổng lồ thiệt thích. Rứa là mặc cho mọi người xung quanh coi bóng đá, mình coi mưa diễn khúc độc hành hột to, hột nhỏ, sợi vắn, sợi dài… Sau cơn mưa, chạy xe chậm chậm trên đường nghe cái hơi mát thấm vào người còn chi bằng…

Trời đẹp như ri mà không về làng thì tiếc lắm. Thích nhất là đoạn dừng xe trên cầu Ca Cút để hứng cái gió Tam Giang đã bắt đầu lành lạnh; rồi bước xuống đường làng nhìn cánh đồng làng mới gặt xong mà thấy đời chẳng hoang vắng bởi bờ đê, thửa ruộng, con khe làng đã quá quen thân máu thịt… Làng mình bây giờ cũng đã vào thu. Những cơn mưa đầu mùa thường khởi phát vào ban đêm và kéo dài ra đến cả ngày hôm sau. Mùa thu đến như là một sự ban phát của thiên nhiên luôn hào phóng với đời sống con người. Những cánh đồng còn trơ gốc rạ ngập tràn nước mát là môi trường kỳ thú để các loài thủy sinh tìm về…

Bây giờ những ao, hồ, khe, ruộng ở làng cá không còn nhiều như những ngày thơ ấu của mình. Sau một cơn mưa dài, chỉ cần bước vài bước ra ngoài vườn là đã thấy cá bơi từng đàn nơi con khe mội Ong chảy qua vườn nhà. Lũ cá ngạnh, cá rô, cá mại… bơi ngược dòng nước chẳng biết để làm gì? Hay là làn nước trong mát quá làm chúng thích thú nên bơi vậy thôi… Sau này học bài thơ “Thu điếu” của Tam Nguyên Yên Đỗ ngay câu đầu: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” là mình nghĩ ngay đến con khe mội Ong trong mát của mình. Mà cái khoảng trời nước thu bé dại đó cũng đã là ký ức mất rồi khi con khe qua vườn nhà đã không còn chảy được nữa vì nguồn nước mội Ong đã bị sự vô ý của con người vùi lấp…

Những trận mưa đầu thu cũng đủ nước cho con khe Làng chảy đẹp như một bức tranh thủy mặc khi hai bên là những cây lộc vừng đến mùa ra hoa. Hồi nhỏ mình không hiểu lắm về sự hữu ích của khe Làng; sau này mới hiểu và nể phục trí tuệ của ông cha trong việc chinh phục thiên nhiên. Con khe Làng mùa hè chỉ là một dòng nước cạn, có khi hạn hán thì trơ cát nhưng mùa mưa nó trở thành một con nước thật đẹp và mùa lụt thì nó là một con nước đến hung hãn. Tất cả nước mưa vùng độn cát mênh mông đều đổ xuống con khe này để chảy ra sông Ô Lâu. Nếu như không có khe Làng thì có lẽ làng mình đã bị nước và cát vùi lấp trong những cơn lụt lớn…Mùa lụt, thỉnh thoảng vào nửa đêm hay rạng sáng, tiếng kẻng từ các xóm dồn dập hối thúc, ba mình cùng tất cả những người đàn ông trong làng đều vội vã chạy ra cầm cuốc, cầm xẻng để lao về phía con đập Khe Làng. “Nứt đập” đó là chuyện mà không ai trong làng muốn chứng kiến.

Bữa hè, đứa em nhắn: “Ngõ xóm nhà mình đã được mở rộng. Hai cây bồ đề trước ngõ cũng phải bứng đi nơi khác…”. Đó là hai cây bồ đề ba mình trồng trước ngõ cách đây hơn chục năm luôn xanh tươi bốn mùa, tán đan vào nhau tỏa bóng mát. Mỗi lần nhớ ông mình cứ nhìn vào cái vòm xanh của cây, chừ đã không còn nữa… Đó là lý do đã khá lâu mình không muốn về nhà vì sợ phải đối diện với cái khoảng trống mênh mông còn lại. Nhưng biết làm sao được, chẳng ai níu giữ được bóng thời gian. Ngày mai, mình về làng…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top