ClockThứ Bảy, 28/11/2015 14:09

Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

TTH - Môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng… Nguyên nhân chính của những tai họa không đáng có này đều do ý thức con người mà ra. Những việc làm tưởng như rất nhỏ hàng ngày giữa người có ý thức và không ý thức lại trở thành sự so sánh không nhỏ. Sau đây là một vài mẩu chuyện nhỏ tôi tình cờ gặp và thấy chạnh lòng.

1. Tại quán cà phê, một khách hàng mua hai ly mang về. Cô chủ quán sau khi pha xong thì kéo hộc bàn lấy một chiếc túi ni lông để gói cà phê cho khách. Nhìn những chiếc túi tuy sạch sẽ nhưng có vẻ như chúng không phải sử dụng lần đầu. Thấy tôi tò mò quan sát, chị giải thích: “Đi chợ về mỗi món hàng đều có một đến hai túi ni lông, tôi không vứt mà lúc rửa dọn thì tiện giặt lại rồi phơi khô để dùng.”. Thấy tôi chau mày, chị biết tôi định nói gì nên tiếp tục đỡ lời: “Mỗi lạng túi chỉ 4.000 đồng thì tha hồ mà đựng, nhưng đài báo ngày nào cũng nhắc nhở về vấn đề môi trường, tôi chẳng làm gì được nhiều nên nghĩ như vậy phần nào cũng giảm được lượng túi ni lông thải ra”.

2. Anh G hớt ha hớt hải đi như chạy vào cơ quan. Gặp đồng nghiệp anh vừa thở vừa nói: “May quá, cứ tưởng muộn giờ. Sáng nay, thằng Tý nhà mình xoay xở muộn, đã vậy lại phải dừng đèn đỏ liên tục nên nóng ruột.”. Một đồng nghiệp của anh lên tiếng: “Vội thì đánh liều vượt đèn đỏ luôn, mấy khi có công an giờ đó…”. Anh G phản ứng nhanh: “Tào lao, chưa nói chuyện những người đi đường nhìn mình thế nào thì cũng phải nghĩ chuyện tạo cho con cái có phản xạ tuân thủ Luật Giao thông đường bộ chứ!”. Đồng nghiệp của anh G im lặng, có lẽ anh vừa nhận ra, việc dạy con đâu chỉ ở sách vở mà trên mỗi con đường, trong mỗi việc làm và tất cả những gì trong cuộc sống cha mẹ luôn là tấm gương gần gũi nhất để con cái noi theo. Nếu cha mẹ không cẩn thận sẽ tạo cho con những thói quen không tốt, không thể nói trước hậu quả sẽ là những gì từ những thói quen ấy.
3. Có dịp đến thăm nhà vị giáo sư của một trường đại học. Giao cho tôi tập tài liệu dày cộm xong, như sợ tôi chào về, giáo sư mời vội: “Tranh thủ lên sân thượng thăm vườn rau của tôi nhé. Thú vị lắm đấy!”. Thú thật lúc đầu tôi vừa lười vừa ngại, nhưng lên đến nơi mới thấy có quá nhiều cái hay để xua tan sự ngại ngùng và lười biếng trong tôi. Những chiếc thùng xốp, những chậu cây và nhiều loại dụng cụ khác có thể đựng được những khối đất nho nhỏ. Nào rau dền, rau cải, mùng tơi, rau ngót và nhiều loại rau sống khác. Bên mép tường treo một chuồng gà với gần mười con gà lớn nhỏ được ngăn ở mỗi ô khác nhau. Giáo sư khoe: “Thức ăn thừa, cọng rau, vỏ hoa quả… trong nhà đều trở thành phân bón cho vườn rau này. Nhà mình hầu như không mua rau ở chợ và bình quân mỗi ngày có hai quả trứng gà. Giá trị vật chất không lớn, nhưng đây là nơi khi những thành viên trong nhà cảm thấy mệt mỏi vì công việc có thể lên để thư giãn. Nhổ vài cây cỏ, nhặt được quả trứng… tất cả đều giúp chúng tôi giảm căng thẳng nên ai cũng yêu khuôn viên này”.
Chia tay giáo sư, mơ ước trong tôi trỗi dậy. Ý nghĩ mau mau có một khu vườn trên sân thượng thôi thúc tôi. Bởi thực sự không khó để làm điều đó, chỉ sợ ta không nhận ra hết giá trị của nó.
Đăng Việt
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top