ClockThứ Sáu, 28/08/2015 15:43

Vu Lan và báo hiếu

TTH - Lễ Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên báo hiếu là một sáng tạo của Phật giáo. Mục Kiền Liên được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Sau khi đã chứng quả A La hán, Mục Kiền Liên nhớ mẹ, bèn dùng huệ nhãn, nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ đang bị đọa vào kiếp ngạ (quỷ đói) nơi địa ngục. Thương mẹ, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Kiền Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Kiền Liên trở về thưa chuyện Đức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Mục Kiền Liên đã làm đúng theo Phật dạy, cậy nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới cứu thoát được mẹ khỏi chốn dọa đày.

Năm 1962, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết đoản văn “Bông hồng cài áo”, bàn về một tục tập đẹp mà ông bắt gặp ở Nhật Bản. Đó là vào Ngày của mẹ (Mother’s Day), người Nhật thường cài hoa lên áo. Nếu còn mẹ là một bông hoa hồng với niềm tự hào “được còn mẹ”. Còn không, đó sẽ là một đóa bông hoa trắng. Trong những năm 1956 - 1966, khi bị chính quyền Sài Gòn bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ bài văn của sư Nhất Hạnh để viết nên ca khúc “Bông hồng cài áo”. Hàng chục năm đi qua, nhưng ca từ da diết “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn Mẹ…” luôn được hát lên, đặc biệt ở mỗi mùa lễ Vu Lan trở về.

Lễ Vu Lan được tổ chức vào rằm tháng bảy, còn được gọi lễ “báo hiếu cha mẹ”. Cũng vào ngày này còn có lễ cúng cô hồn, hay được gọi là lễ “Xá tội vong nhân”. Một đằng là để cầu cho cha mẹ được” thân tâm an lạc” (nếu còn sống) và được siêu thoát; (nếu đã qua đời); một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn không nơi nương tựa. Ý nghĩa đó thật cao đẹp. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng khấm khá, lễ Vu Lan gần đây cũng được tổ chức với nhiều nghi lễ mang tính phô trương và trào lưu, đặt ra nhiều điều suy nghĩ. Đáng nói là vào dịp lễ Vu Lan, nhà nhà lại sắm sửa tiền vàng lễ vật gửi xuống cõi âm cho tổ tiên. Các nơi bán đồ vàng mã mỗi năm lại xuất hiện những món đồ mới hiện đại. Quan niệm “trần sao, âm vậy”, ai cũng mong người nhà ở thế giới bên kia có cuộc sống tiện nghi nhất. Hậu quả như những gì chứng thực ở Huế, vào dịp này nhiều đường phố mù mịt khói bụi.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh cứu mẹ của Mục Kiền Liên. Do vậy, đó là dịp báo hiếu,nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Suy cho cùng, là cách ứng xử và là một nét đẹp văn hóa. Báo hiếu không là chỉ là dành tình cảm tưởng niệm đến những người đã mất mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm của người con đối với cha mẹ khi họ còn đang sống. Cho dù cuộc sống này vất vả thế nào cũng là thời điểm chúng ta dành thời gian thăm hỏi, về thăm cha mẹ, thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dòng họ... Thế nhưng, trong cuộc sống đã có không ít người quên mất điều đơn giản kia.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

TIN MỚI

Return to top