ClockThứ Sáu, 15/05/2015 09:12

Xa dần những chuyến đò…

TTH - Huế một ngày mới, mọi người lại bắt đầu công cuộc mưu sinh của mình. Dòng người và xe cộ hòa vào nhau tạo nên một nhịp sống sôi động.

Giữa cái guồng quay hối hả của cuộc sống, dòng sông Hương vẫn giữ cho riêng mình sự chậm rãi, điểm một chút hoài niệm.

Những chuyến đò ngang vẫn lặng lẽ đưa đón khách sang sông.

Bến đò Cồn Hến vào một buổi sáng sớm, con đò đã đợi sẵn để đưa khách sang sông. Các chị, các mẹ với những gánh cơm hến, bún hến – một đặc sản của vùng đất nơi đây đang chuẩn bị sang bờ phía bên kia để bắt đầu công việc mưu sinh thường ngày của mình. Chuyến đò đầu tiên trong ngày có khoảng gần chục khách, thế nhưng đó là một con số lớn, bởi giờ đây, rất ít người sang bờ bên kia bằng phương tiện này.

Sự phát triển của hạ tầng đô thị cùng với sự có mặt của nhiều phương tiện giao thông đi lại tiện ích, những chuyến đò như thế ngày càng thưa dần và vắng khách. Có chăng, nó chỉ phục vụ cho những hành khách đặc biệt – người dân lao động. Với công việc buôn thúng bán bưng cùng những quang gánh cồng kềnh và trĩu nặng thì những chuyến đò ngang là phương tiện đi lại khả dĩ hơn cả đối với những người dân lao động chân chất này.

Bến đò Đập Đá - Đông Ba, hôm nay đến lượt ông Nguyễn Quang Sâm chạy đò chở khách. Hành khách đầu tiên của ông là một người phụ nữ nghèo, hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc đành phải bỏ về nhà mẹ. Chị qua đò theo hình thức “đi quá giang” - nghĩa là không có phí đi đò. Sống với nghề này đã gần 30 năm, cũng là từng ấy thời gian ông Sâm chứng kiến biết bao buồn vui, mặn nhạt của cuộc sống đời thường.

Khách đi đò giờ đây chủ yếu là người dân sống ở khu vực hai bên bờ sông Hương, những người buôn bán nhỏ, vì những lý do nào đó, họ chọn chuyến đò làm phương tiện đi lại. Và chợ Đông Ba như là một địa điểm cố định để người ta đi - về với quang gánh mưu sinh.

Chợ Đông Ba vẫn là tâm điểm hiện diện của các bến đò, những chuyến đò hằng ngày vẫn cập bến. Tuy nhiên, khách đi đò thì ngày càng thưa dần. Hai bến đò Cồn Hến và Đập Đá hiện chỉ còn 4 chiếc đò cứ thay phiên nhau chở khách. Mỗi hành khách, ông Sâm nhận được 10 nghìn đồng cho cả đi lẫn về. Mỗi ngày, nhiều lắm ông chỉ chở được khoảng 15 khách, trừ chi phí nhiên liệu, ông kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Vất vả là thế, nhưng ông cũng cố bám trụ với nghề này, ngoài việc để kiếm sống, thì chạy đò đối với ông còn là một nghĩa vụ.

Trên dòng sông Hương, con đò là chứng tích của một thời giao thương sầm uất. Thế nhưng, giờ đây, nó đã mai một dần. Đò Huế bây giờ đã trở thành cái mà như ông Sâm nói là cần phải gìn giữ. Không biết rồi đây, khi những lớp người nặng lòng với nghề như ông Sâm qua đi, thì liệu những chuyến đò Huế có còn...

Đắc Hát
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Return to top