ClockThứ Hai, 05/07/2010 05:27

Tiếp cận di sản Huế từ góc độ cảnh quan văn hóa

TTH - Kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, người ta thường hay nhắc đến cụm từ “di sản”, “di sản văn hóa” và tiếp cận khái niệm di sản ở nhiều góc độ khác nhau, những từ góc độ chung nhất như vật thể, phi vật thể, cho đến từng góc độ cụ thể như văn hóa, thiên nhiên, kiến trúc, lễ hội, nghề truyền thống…

Tuy nhiên, còn có một góc độ khác cho phép chúng ta nhìn nhận di sản ở một khía cạnh rộng lớn hơn, bao hàm cả những yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, đó là khái niệm về cảnh quan văn hóa.

Theo định nghĩa của UNESCO, cảnh quan văn hóa là những tài sản văn hóa, thể hiện “sự phối hợp giữa thiên nhiên và con người” như đã xác định ở điều 1 của Công ước Di sản Thế giới. Trong đó, công trình (hoặc những công trình) được ghi tên vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới phải có giá trị nổi bật toàn cầu và được xét theo tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan; các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
 

Sông Hương chảy qua Kinh thành Huế
 
Cũng theo Hướng dẫn hoạt động về Thực hiện Công ước Di sản Thế giới, thuật ngữ “cảnh quan văn hóa” bao gồm tính đa dạng về sự biểu thị mối tương tác giữa con người và môi trường văn hóa của con người. Một nơi được coi là cảnh quan văn hóa phải đáp ứng 3 tiêu chí chính, bao gồm:
 
1) Cảnh quan được xác định rõ ràng là có tính bài trí và kiến tạo có chủ ý bởi con người, bao gồm các vườn và cảnh quan hoa viên được tạo dựng vì lý do thẩm mỹ mà thường (nhưng không phải luôn luôn) gắn với các công trình, quần thể di tích hay tôn giáo
2) Cảnh quan có sự tiến hóa hữu cơ. Điều này hình thành trước hết từ nhu cầu xã hội, kinh tế, hành chính và/hoặc tôn giáo và vẫn đang phát triển hình thức hiện tại với sự liên kết hoặc đáp ứng lại môi trường tự nhiên của nó... Một cảnh quan đang tồn tại là cảnh quan vẫn duy trì vai trò xã hội tích cực của nó trong xã hội đương thời, gắn bó chặt chẽ với lối sống truyền thống, và trong đó quá trình tiến hoá vẫn đang tiếp diễn. Đồng thời cảnh quan này vẫn thể hiện những bằng chứng vật chất có giá trị về quá trình tiến hoá của nó theo thời gian.
3) Cảnh quan văn hóa liên kết. Việc ghi danh loại cảnh quan này vào Danh mục Di sản Thế giới là hợp lý bởi những ưu điểm của sự kết hợp tôn giáo, nghệ thuật hoặc văn hóa mạnh mẽ với yếu tố thiên nhiên hơn là các chứng cứ văn hóa mang tính vật chất, có thể không có giá trị hoặc thậm chí không hiện diện.
Đối với Huế, vấn đề đặt ra là có hay không một “cảnh quan văn hóa” theo những tiêu chí nêu trên? Những yếu tố thiên nhiên, văn hóa, những công trình hay quần thể kiến trúc của Huế liệu có tính liên kết liền mạch để hình thành nên một cảnh quan được xác định có chủ ý rõ ràng của con người, có sự liên kết với môi trường tự nhiên và những yếu tố văn hóa?
Nhiều tư liệu đã chứng minh chiều sâu thời gian và độ đậm đặc văn hóa được kết tinh ở Huế trong sự giao thoa của các vùng, miền Nam – Bắc, Đàng Trong - Đàng Ngoài, các dân tộc Chăm-Việt…trên dặm dài của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, ý nghĩa về cảnh quan khu vực Huế có tính bài trí kết hợp giữa yếu tố thiên nhiên và tư tưởng văn hóa mang tính triết học được thể hiện rõ ràng nhất dưới thời Nguyễn: “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thuỷ thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn; sông lớn ngăn phía trước; núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đô của nhà vua.” (Quốc sử quán triều Nguyễn).
 

Cảnh quan lăng vua Tự Đức

Trong địa thế hoành tráng ấy, Kinh thành Huế tọa lạc ở hạ lưu sông Hương, con sông được chọn làm “minh đường” cho “ngôi nhà của vua” và các công trình quan trọng khác trong vòng tường đồ sộ bao quanh khu vực khoảng 520ha ở bờ bắc. Hai hòn đảo nhỏ là cồn Hến và cồn Dã Viên trấn giữ mặt sông trước Kinh thành ở hai ngả đông, tây tạo thành thế “rồng chầu, hổ phục” một cách ngẫu nhiên nhưng lại ứng với vị thế bảo vệ “vương đảo” trong ý nghĩa phong thủy.

Đối diện với trục chính, hơi lệch về phía đông nam là núi Ngự Bình với chiều cao khiêm tốn, chỉ vừa đủ để thể hiện chức năng bảo vệ, che chắn cho Kinh thành trong ý nghĩa biểu tượng, nhưng vươn xa trong sự ước định về trục “thần đạo” của Hoàng thành Huế để tạo sự kết nối tâm linh giữa vị trí của “thánh nhân” với sự che chở của trời đất.
Ngược lên phía thượng nguồn, các lăng tẩm vua Nguyễn cùng các công trình kiến trúc văn hóa và tôn giáo như chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Võ Miếu, điện Hòn Chén ở bờ bắc; Thành Lồi, Hổ Quyền, Miếu Long Châu (điện Voi Ré), đàn Sơn Xuyên ở bờ nam cũng lấy dòng sông Hương thơ mộng làm điểm quy chiếu. Có thể nói suốt một vùng sông núi từ ngã ba Bằng Lãng đến nơi đô hội Kinh thành Huế, xuôi về Thanh Hà, Bao Vinh, thành Hóa Châu…là cả một sự đan xen giữa các trục thiên nhiên với yếu tố sông, núi, đảo, gò; trục tâm linh, tôn giáo với các cao độ của địa hình phù hợp với ý tưởng của con người; trục kiến trúc cổ điển và đương đại với quần thể các thành quách, cung điện ở bờ bắc, các dãy phố mang phong cách thuộc địa ở bờ nam…Tất cả tạo thành một phức hợp trong mối tương quan về không gian tự nhiên, văn hóa, xã hội và lịch sử, trong đó nổi bật lên sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên mang đậm tính triết lý.
 

Sông Hương về phía thượng nguồn

Với tất cả những yếu tố ấy, cảnh quan thiên nhiên là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa Huế. Kể từ khi hình thành, cả hai đã là một trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ về vật chất (ở khía cạnh địa điểm, vị trí địa lý) lẫn ý nghĩa tâm linh (ở khía cạnh phong thủy).
Chính sự hòa quyện giữa những nét sơn kỳ thủy tú, đặc điểm địa hình của núi sông, gò đảo với sự vận dụng sáng tạo của con người trong quy hoạch, xây dựng đã góp phần hình thành nên giá trị nổi bật và độc nhất vô nhị của đô thị Huế. Chỉ có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và đúng đắn về ý nghĩa và giá trị của cảnh quan văn hóa Huế mới có thể đưa “đô thị Huế” thành đô thị di sản, và di sản Huế mới thực sự được đặt đúng tầm của “giá trị nổi bật toàn cầu”.
Hy vọng với một tương lai không xa, Huế sẽ một lần nữa đăng quang ngôi vị quốc tế với sự ghi nhận về cảnh quan văn hóa, một sự ghi nhận cần thiết trước nguy cơ sự hài hòa, cân bằng của cảnh quan văn hóa ấy có thể bị phá vỡ dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang ngày một dâng cao.
  Vân Anh
 
 
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top