ClockThứ Tư, 14/09/2022 14:23

Tín hiệu vui từ trồng sâm Bố Chính ở Quảng Nhâm

TTH - Với việc đưa vào trồng thử nghiệm thành công cây sâm Bố Chính ở xã Quảng Nhâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới đã có thêm một loại cây trồng mới nhiều triển vọng.

Triển vọng từ cây sâm Bố Chính

Đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới thu hoạch sâm Bố Chính

Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm Thổ Hào (Thổ Hào sâm), có nguồn gốc tại Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An. Đây là loại dược liệu quý để dâng vua, tiến chúa từ những năm 1400. Sâm được danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng làm thuốc lần đầu tiên tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nên thường được gọi là sâm Bố Chính.

Khảo sát nghiên cứu cho thấy, vùng A Lưới có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quỹ đất sạch lớn, độ ẩm cao (ban ngày nắng to, ban đêm sương mù dày đặc) phù hợp với cây sâm Bố Chính. Tháng 2/2021, UBND huyện A Lưới giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp với Công ty TNHH CBS Hoàng Gia và UBND xã Quảng Nhâm chọn hộ và diện tích đất để trồng thí điểm 2ha sâm Bố Chính.

Đến tháng 9/2021, sâm trồng đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Là năm đầu tiên triển khai mô hình, bà con vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nắm rõ kỹ thuật trồng nên sản lượng sâm chỉ đạt 50% dự tính ban đầu. Tuy nhiên, do chất lượng sâm cao nên trừ chi phí đầu vào và nhân công, mỗi sào thu lãi từ 20-25 triệu đồng, lãi hơn nhiều so với trồng lúa, trồng sắn. Quá trình trồng và chăm sóc, bà con thực hiện canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên dược tính sâm cao, đảm bảo an toàn.

Sau mùa vụ trồng thí điểm đầu tiên thành công, sang đến mùa vụ thứ 2, được sự đồng ý của UBND huyện A Lưới, Công TNHH CBS Hoàng Gia đã cùng 12 hộ dân ở Quảng Nhâm mạnh dạn mở rộng diện tích lên gấp 2,5 lần. Báo cáo về tình hình công tác dân tộc của Ban Dân tộc tỉnh cho biết, một nửa trong số 5ha của vụ trồng thứ hai là của bà con dân tộc thiểu số tự trồng và nửa còn lại là của doanh nghiệp liên kết đầu tư.

Theo bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công TNHH CBS Hoàng Gia, sau 9 tháng trồng, sâm Bố Chính qua được 1 vòng đời và công ty tiến hành thu hoạch. Đáng mừng là, củ sâm Bố Chính thu hoạch đạt yêu cầu cả về mặt chất lượng lẫn kích cỡ. Đem sâm tươi phân tích, thành phần dược tính một số hoạt chất cơ bản đều đảm bảo. Kết quả thu hoạch sản lượng đạt khoảng 1 tạ/sào, vượt so với kỳ vọng ban đầu; sau khi trừ các chi phí, mỗi sào sâm cho thu nhập khoảng 36 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Mới đây, trong chuyến công tác tại A Lưới, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã  ghé thăm vườn sâm ở Quảng Nhâm. Tận mắt chứng kiến thành quả lao động, ông Lê Trường Lưu biểu dương sự mạnh dạn của huyện A Lưới và Công ty TNHH CBS Hoàng Gia trong việc đưa giống dược liệu mới là sâm Bố Chính vào trồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mô hình trồng sâm Bố Chính bước đầu mang lại việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến xóa nghèo bền vững.

Nhận thấy sâm Bố Chính có thể mang lại nguồn kinh tế bền vững cho bà con vùng dân tộc thiểu số, Công ty TNHH CBS Hoàng Gia cam kết hỗ trợ chuyển giao về kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, giúp bà con địa phương yên tâm trong quá trình canh tác. Số sâm sau khi thu mua sẽ được chế biến thành các sản phẩm dược liệu như sâm sấy khô, rượu sâm, mứt sâm… Đồng thời, tìm cách liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp A Lưới cho biết, khi được Công ty TNHH CBS Hoàng Gia đứng ra thu mua sản phẩm, bà con sẽ mở rộng diện tích trồng sâm Bố Chính. Dự kiến, vụ sâm Bố Chính thứ 3 vào năm 2022 này sẽ nâng diện tích lên đạt 7ha; hướng tới mở rộng diện tích trồng sâm Bố Chính ra các xã lân cận Quảng Nhâm và phấn đấu đạt 20ha, đưa cây sâm Bố Chính vào trong dự án dược liệu của tỉnh.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó
Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc

Để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị của sản phẩm bưởi thanh trà, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh bưởi thanh trà theo hướng bền vững, an toàn, thông minh” với quy mô 5ha trên địa bàn xã Hương Thọ (TP. Huế).

Trồng bưởi thanh trà có thể truy xuất nguồn gốc
Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

Đối với hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, chị Văn Thị Dịu, Chi hội trưởng Chi hội thôn Trung Kiều, không những là một tấm gương về cán bộ hội năng động, nhiệt tâm mà chị còn là một điển hình kinh tế giỏi. Từ mong muốn vươn lên làm giàu từ chính nghề nông, chị đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng nấm sạch. Đến nay, mô hình trồng nấm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Liên kết trồng nấm phát triển kinh tế

TIN MỚI

Return to top