ClockThứ Ba, 26/11/2019 06:30

Tình người năm ấy

TTH - Cứ ngỡ chuyện đã quá vãng nhưng nhắc đến cơn lũ lịch sử năm 1999, bà con xã Hương Toàn (Hương Trà) đến nay vẫn không quên nghĩa cử đong đầy tình người của nữ hộ sinh Dương Thị Huê, cán bộ Trạm Y tế.

Hòa Duân hồi sinhThông tin liên lạc những ngày trong lũ“Túi rác” ngày ấy bây giờ

Nữ hộ sinh Dương Thị Huê với công việc thường nhật ở TYT Hương Toàn

Tôi biết chuyện chị Huê từ lâu qua một đồng nghiệp. Anh bảo sẽ có những dòng viết về chị, nhưng rồi công việc cuốn đi nên bao lần lỡ hẹn. Mới đây, trong dịp về công tác ở Trạm Y tế (TYT) Hương Toàn, tôi được nghe chị trải lòng, chia sẻ câu chuyện năm xưa đầy cảm xúc.

Đêm 2/11/1999 là phiên chị Huê trực ở trạm. Vừa choạng tối trời mưa như trút kèm theo gió giật mạnh. Nước mọi ngả tràn về dâng cao. Lúc này điện đóm tắt ngúm. Một mình, nhưng chị chẳng thể kết nối với đồng nghiệp và không biết cầu cứu ai trợ giúp khi bàn ghế ở TYT bắt đầu chìm trong nước lũ.

Bất chấp hiểm nguy, chị Huê cố chong đèn dầu tìm cách cứu các dụng cụ thường ngày hỗ trợ sinh đẻ ở trạm nhưng vô vọng. “Thấy nước dâng cao khiếp quá, tôi trèo lên thành cửa sổ, hai tay bám chặt mấy song sắt phía trên, cầu mong sao trời mau sáng”.

Cố thủ ở cửa sổ chưa lâu lại nghe bên ngoài í ới. Nhìn ra phía sân thấy dáng hai người đàn ông- một già một trẻ đẩy chiếc ghe huơ ánh đèn giữa đêm kêu: “Cô ơi, cô ơi. Cháu nó trở dạ. Máu ra nhiều quá”.

Chiếc ghe tiến dần vào hiên nhà của trạm. Qua ánh đèn dầu, chị loáng thấy một phụ nữ trẻ tròng trành trên ghe ướt sũng, miệng cắn môi rên la. Nguy kịch quá nhưng chẳng biết làm sao, mọi dụng cụ thuốc men đều chìm nghỉm. Trong suy nghĩ, chị biết đây ca đỡ sinh vô cùng hiểm nguy nhưng không thể bó tay.

Quan sát sản phụ xong, chị vụt bơi ra dòng nước lũ sang ngôi nhà hai tầng cách trạm chừng 300 mét mượn dao kéo và mấy tấm áo cũ. Vừa trở lại, chị quỳ sát lên thành ghe để giúp sản phụ “vượt cạn”, mặc cho mưa gió hắt vào. Hơn nửa giờ sau, cháu bé gái đỏ hồng cựa quậy, chị Huê thở phào. Đó là thời khắc mà chị Huê nói nhờ trời “mẹ tròn con vuông”.

Sáng hôm sau, chị phải ngâm mình trong nước lũ bám ghe đưa mẹ con sản phụ về nhà. Đây là quãng đường chị Huê so sánh, nếu lúc giúp sản phụ “vượt cạn” là một kỳ tích thì đưa mẹ con sản phụ trở lại nhà là đoạn trường cam go, hiểm nguy giờ nhớ lại vẫn còn gợn gai ốc vì phải vượt lũ trong mưa gió và dòng nước chảy xiết.

Tôi hỏi: “Sao sản phụ không ở TYT vài hôm sau”. Chị cười: “TYT đã tốc mái, mưa dồn dập, chung quanh như một biển nước. Trong tình cảnh nếu không đưa mẹ con sản phụ về nhà, thì tai biến sau sinh trong trường hợp này dễ xảy ra”...

Dịp này, tôi được chị Huê thông tin, người đàn ông năm ấy giữ ghe chính là thân sinh của sản phụ, tên là Hà Văn Lăng, hiện đã 83 tuổi, sống ở thôn Liễu Hạ (Hương Toàn).

Khi đến thăm nhà, vừa nhắc đến tên chị Huê ở TYT Hương Toàn, ông Lăng xúc động: “Nghĩa cử năm xưa của o Huê tui nhớ mãi đến giờ chú ơi. Nếu không có o Huê ở TYT tối đó giờ con gái tui đã về với tổ tiên rồi”.

Nghe bố trò chuyện với khách về chị Huê, anh Hà Văn Tiến, con trai bác Lăng cũng là người thanh niên trẻ cùng bố đưa em gái vượt cạn trong cơn lũ lịch sử 20 năm trước ngoài vườn bước vào góp chuyện. Đêm đó lũ bao vây cả xóm, không có đường đi ra. Nhà anh nước cũng lên ngang nóc lại chảy xiết, nhưng em gái đau bụng chuyển dạ thì không tính đường lùi. “Lúc đó khiếp lắm anh ơi. Phước em gái tôi lớn mới gặp được chị Huê. Bây giờ nó sống ở  A Lưới, thỉnh thoảng về thăm ngoại cứ nhắc đến chị Huê”, anh Tiến nói.

Ông Lê Phước Tuy, nguyên Trưởng TYT Hương Toàn chia sẻ, bản thân và người dân địa phương đều cảm kích trước hành động đầy trách nhiệm của chị Huê, giúp con gái bác Hà Văn Lăng “vượt cạn” thành công trong tình trạng “thập tử nhất sinh” đêm lũ lịch sử ấy.

 Theo ông Tuy, không chỉ đêm ấy mà những ngày sau đó Hương Toàn dù vẫn mênh mông nước lũ nhưng chị Huê là cán bộ tiên phong của TYT quên tất mọi việc nhà, đưa hàng cứu đói, cứu khát cho bà con địa phương. Sau lũ, không ngày nào chị vắng mặt ở vùng trũng trong xã như thôn Vân Cù, Cổ Lão, Giáp Đông, Giáp Trung... để hướng dẫn cùng người dân dùng cloramin B, phèn chua xử lý nguồn nước hàng trăm giếng khơi và phòng chống dịch sau lũ...

Nhờ tinh thần không nề hà việc khó trong, sau lũ của chị Huê, nhiều lãnh đạo tỉnh, Trung ương về thăm, đánh giá cao đội ngũ cán bộ TYT Hương Toàn, góp phần giúp bà con địa phương vượt qua cơn lũ lịch sử năm ấy.

 “Cho đến bây giờ, chúng tôi luôn lấy tinh thần nhiệt huyết của chị Huế dạo đó để cùng nhắc nhở động viên anh em đồng nghiệp sống và làm việc tốt hơn”, ông Tuy nói.

Bài, ảnh: Minh Phái

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top