ClockThứ Bảy, 26/09/2015 15:50

Trầm lắng vật liệu xanh

TTH - Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (vật liệu xanh) đang trở thành một xu thế tất yếu trong ngành xây dựng nhằm hướng đến bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường vật liệu xanh vẫn khá trầm lắng.

Mới sử dụng ở các công trình công

Vật liệu xanh được hiểu một cách đơn giản là những loại vật liệu góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, xây dựng và cả khi phá dỡ công trình. Có thể kể một số vật liệu xanh trong xây dựng như: tôn lợp sinh thái, gỗ ốp tường xanh, xi măng xanh, gạch ốp lát tái chế, gạch không nung từ đất và phế thải...

Giới thiệu sản phẩm gạch ngói không nung của Công ty cổ phần Long Thọ với người tiêu dùng

Bàn về xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng hiện nay, ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, sử dụng vật liệu xanh nói chung và vật liệu xanh trong ngành xây dựng nói riêng đồng nghĩa với việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu. Điển hình như sử dụng vật liệu không nung (VLKN). Do không dùng đất sét làm nguyên liệu nên góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Quá trình sản xuất không qua công đoạn nung giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hoả, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung. Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm, nhiều màu sắc, kích thước khác nhau, nâng cao hiệu quả kiến trúc. Cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô khác nhau, không bị khống chế nhiều về mặt bằng sản xuất. Suất đầu tư nhìn chung thấp hơn vật liệu nung. Ngoài ra, việc sử dụng VLKN còn giúp tiêu thụ phế thải các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có khá nhiều công trình đã đưa vật liệu không nung vào xây dựng. Trong đó, các công trình có vốn Nhà nước hầu hết đều đã sử dụng vật liệu không nung, một số công trình tư nhân cũng bắt đầu sử dụng đúng như lộ trình của Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 28/8/2013 và Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 29/8/2013.

Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng TP Huế cho hay: “Từ đầu năm đến nay, những công trình của Nhà nước do Ban Đầu tư và Xây dựng làm chủ đầu tư đều đã sử dụng vật liệu không nung theo đúng quy định. Hiện nay, có trên 10 công trình do Ban quản lý đang sử dụng vật liệu không nung”.

Còn tại các công trình tư nhân, vật liệu không nung cũng bắt đầu được sử dụng. Công trình nhà ở của ông Phan Văn Vĩnh, 45 Trương Thiều, thị trấn Thuận An sử dụng VLKN trong xây dựng, ông Vĩnh cho hay: “Sau gần 4 năm sử dụng VLKN trong xây dựng mới thực sự thấy được lợi ích của loại vật liệu này. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi sử dụng 50m3 gạch không nung giúp tiết kiệm rất lớn chi phí nhân công, nhà được cách âm, cách nhiệt rất tốt, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp”.

Chưa chiếm lĩnh thị trường

Mặc dù ở nhiều tỉnh thành khác, vật liệu xanh được các công trình tư nhân, Nhà nước sử dụng khá nhiều bởi những ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư, các đại lý vật liệu xây dựng lớn mới chỉ biết đến bê tông nhẹ của công ty TNHH Trường An và gạch Block của Công ty cổ phần Long Thọ. Còn những vùng nông thôn, vật liệu không nung, bê tông nhẹ hay gạch block vẫn là một khái niệm khá xa lạ.

Chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát nhỏ tại các đại lý chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Huế), nơi tập trung đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, khi được hỏi có kinh doanh các loại vật liệu xanh hay không, hầu hết các đại lý đều lắc đầu.

 “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới đa dạng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường còn như ở Huế, người dân chưa quen với việc sử dụng vật liệu xanh. Những loại vật liệu xanh như: gạch block, gạch bê tông nhẹ, tôn lợp sinh thái... đều có mức giá khá cao so với những loại vật liệu thông thường khác. Đó là lý do khiến thị trường Huế chưa mặn mà với những loại vật liệu xanh. Do không có nhu cầu nên chúng tôi không dám mạo hiểm đặt mua những loại vật liệu trên”, chủ một cửa hàng vật liệu cho hay.

Đọc và tìm hiểu nhiều về vật liệu xanh trên báo, đài, chị Hồ Thị Lan, đường Bùi Thị Xuân, TP Huế quyết định sử dụng gạch nhẹ, gạch ốp lát tái chế và tấm lợp sinh thái để xây dựng ngôi nhà của mình. Nhưng để làm được điều này không hề đơn giản. Chị Lan cho hay: “Nghe nhiều người nói tấm lợp sinh thái, gạch ốp lát tái chế trên địa bàn tỉnh rất ít đơn vị cung ứng, thậm chí không có. Ban đầu tôi cũng không tin lắm, nhưng khi tự mình đi liên hệ với các đại lý vật liệu để tìm hiểu quả đúng như vậy. Tôi đành liên hệ với một đại lý ở Đà Nẵng nhưng chi phí vận chuyển quá cao. Vậy là tôi đành gác lại ý định sử dụng vật liệu xanh để xây dựng nhà ở”.

Sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng đã và đang góp phần bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, để đưa vật liệu này đến gần hơn với người tiêu dùng cần sự vào cuộc của rất nhiều ngành, chính quyền địa phương và cả người dân. Trong đó, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng để họ hiểu, biết về các sản phẩm này là điều rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đại Viên cho hay: “UBND tỉnh đã ban hành các quy định cũng như khuyến khích người dân sử dụng loại vật liệu này. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều công trình của Nhà nước và tư nhân sử dụng gạch không nung. Về phía Sở cũng đã tiến hành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các quy định về sản xuất, sử dụng gạch không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định thiết kế công trình, chúng tôi luôn chú ý khuyến khích chủ đầu tư sử dụng vật liệu xanh cho công trình”.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top