ClockThứ Năm, 09/04/2020 06:45

Tuyên truyền chống dịch nơi biên giới

TTH - Những chiếc “loa kẹo kéo” buộc sau yên xe của bộ đội biên phòng (BĐBP) phát nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các công văn của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; những tờ rơi về 100 câu hỏi- đáp liên quan về dịch COVID-19 và cách phòng, chống do Tổng cục Chính trị Bộ Tư lệnh BĐBP soạn... đã “theo chân” lực lượng BĐBP đến những thôn bản nằm sâu trên biên giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra điểm chốt chặn khu vực biên giớiKiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn người trốn dịch

Thực hiện tuyên truyền lưu động tại các điểm dân cư xa xôi ở A Lưới

Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết, đây là những phương pháp mới, rất linh hoạt của BĐBP tỉnh để đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân ở khu vực biên giới, nhất là đối với những bản làng hẻo lánh trên biên giới Việt - Lào, thuộc huyện A Lưới, về việc phòng, chống dịch COVID-19.

Ngay sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thu âm chỉ thị này và các công văn của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, chuyển đến các đồn biên phòng đóng tại khu vực biên giới.

Cán bộ thuộc đội vận động quần chúng của các đơn vị dùng xe máy chở theo loa thùng (trên thân loa dán bảng "Tổ tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19"), lưu động đến các khu dân cư, mở loa cho người dân nghe.

Bắt đầu từ ngày 3/4, trên những con đường thôn, bản các xã biên giới  Hồng Vân, Hồng Thủy, A Đớt, A Roàng, Quảng Nhâm… (huyện A Lưới) “rộn ràng” hình ảnh những người lính biên phòng rong ruổi qua các thôn, bản để mở loa tuyên truyền, đồng thời phát tờ rơi, phát khẩu trang cho người dân.

Thiếu úy Hồ Bá Ban, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hương Nguyên chia sẻ, anh và các đồng đội trong tổ tuyên truyền chia nhau đến “hang cùng ngõ hẻm” ở các xã Hương Nguyên, A Roàng, là địa bàn do đồn Hương Nguyên quản lý để đưa nội dung, ý nghĩa của Chỉ thị 16 đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách nhanh nhất, dễ “thấm” nhất.

Ông Blup Nhách - người dân thôn Ka Lô (xã A Roàng) bộc bạch, mấy hôm nay, ngày nào cũng nghe từ loa lưu động của BĐBP, đồng thời được phát tờ rơi về 100 câu hỏi - đáp, nên ông càng hiểu nếu để dịch lây lan là rất nguy hiểm cho bản thân, gia đình và thôn, bản. Vậy nên ai nấy đều cần ở nhà mình, có việc cần thiết lắm mới ra ngoài.

Ông A King Viêng (thôn A Hưa PaE, xã Quảng Nhâm) cho biết, hôm nào loa lưu động của BĐBP cũng phát lui, phát tới ngay trước ngõ nhà nên ông và những thành viên trong gia đình thuộc luôn những nội dung cơ bản của Chỉ thị 16. Mà thuộc nhất là khi đi ra ngoài lúc cần thiết thì phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m, phải đeo khẩu trang và luôn luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…

Theo Thượng tá Trần Văn Tuyển, biện pháp tuyên truyền này đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất có hiệu quả. Bà con nâng cao nhận thức được rằng việc đảm bảo giãn cách xã hội là rất cần thiết để đẩy lùi dịch.

“Tại các hàng quán, điểm giao dịch mua bán nơi khu vực biên giới, muốn mua gì, người dân viết ra trên một mảnh giấy để lại, lát sau quay lại nhận hàng. Không có tình trạng nhiều người cùng có mặt một lúc tại điểm mua bán, giao dịch. Người dân trao đổi mua bán hàng hóa bằng cách tiếp xúc không trực tiếp”- Thượng tá Trần Văn Tuyển cho hay.

Ngay tại các đồn biên phòng, nội dung của Chỉ thị 16, thư động viên, thư khen của Chủ tịch nước và của Bộ Tư lệnh BĐBP cũng được phát thường xuyên 3 lần mỗi ngày để mỗi cán bộ, chiến sĩ không lơ là, chủ quan, càng nâng cao ý thức, nêu gương thực hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người lính biên phòng.

“Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, nhiệm vụ của lực lượng biên phòng vất vả, gian nan gấp nhiều phần. Nhưng chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi được nhận tình cảm của Nhân dân khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối với cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ tại 31 chốt bảo vệ biên giới. Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, cá nhân đã hỗ trợ tiền, vật dụng sinh hoạt, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn…, trị giá gần 100 triệu đồng, chia sẻ bớt khó khăn. Bằng trách nhiệm của người lính, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã đóng góp vào quỹ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh gần 46 triệu đồng để chung tay “tiếp sức” cho trận chiến đẩy lùi COVID-19” - Thượng tá Trần Văn Tuyển bộc bạch.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên

Ngày 16/3, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Phú Lộc phối hợp với Đoàn TNCSHCM Bộ đội Biên phòng tỉnh; Đoàn Học viện Âm nhạc Huế; Khoa Luật hành chính - Đại học Luật- Đại học Huế tổ chức chương trình hoạt động “Tháng thanh niên, tháng Ba biên giới” và ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh năm 2024.

Tặng 200 lá cờ Tổ quốc và tuyến đường hoa, vườn hoa thanh niên
Tuyên truyền BHXH tự nguyện: Từ thấu hiểu đến hành động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Để người dân hiểu và tham gia, BHXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, linh hoạt các phương thức truyền thông với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia để thụ hưởng quyền lợi khi về già.

Tuyên truyền BHXH tự nguyện Từ thấu hiểu đến hành động

TIN MỚI

Return to top