ClockThứ Năm, 16/12/2010 14:48

Vai trò... của “đại gia”

TTH - Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 khóa XIV, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, nhiệm vụ của tỉnh nhà trong những năm tới hết sức nặng nề. Từ điểm nhấn đó, Bí thư Tỉnh ủy nêu lên một số vấn đề mang tính cốt lõi, trọng tâm để Tỉnh ủy thảo luận tìm ra các giải pháp tối ưu nhằm đạt được mục tiêu như Kết luận 48 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, tất cả nhiệm vụ hiện nay đều hướng vào nội dung kết luận của Bộ Chính trị để hoạch định chiến lược tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giáo dục đào tạo, xây dựng mạng lưới y tế, hạ tầng đô thị, giảm nghèo, mật độ dân số... Mục tiêu thì rất lớn, nhưng nguồn lực chưa ngang tầm. Quan điểm phát triển của Tỉnh ủy đề ra là tăng tốc phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2014.

Còn hơn 3 năm nữa, chúng ta phải huy động tổng lực sức mạnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để huy động các chương trình phát triển KT-XH, an ninh-quốc phòng... Huy động cả nội lực và ngoại lực; trong đó, nội lực có tính quyết định. Nguồn nội lực quan trọng chúng ta chưa khai thác tốt là quỹ đất (nguồn lực đất đai). Tỉnh, thành phố, thị xã và các huyện cần đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai hiện có để tập trung đầu tư vào các chương trình trọng điểm. Đầu tư là phải đặt dấu hỏi công trình này, dự án kia có đóng góp gì cho mục đích chuyển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2011, Tỉnh ủy đề ra 4 chương trình trọng điểm với nhu cầu vốn ưu tiên khoảng 7.316 tỷ đồng.
Mỗi chương trình trọng điểm được Tỉnh ủy thảo luận, bàn tính khá kỹ về nguồn vốn đầu tư; trong đó, xác định vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào từng chương trình khá cụ thể. Vấn đề đặt ra là các ngành, các cấp huy động thêm sức mạnh, sáng tạo, đổi mới tư duy trong xây dựng dự án, bám ngành dọc, bảo vệ dự án mang tính thuyết phục cao nhằm tạo thêm nguồn lực mới.
Trong xu thế phát triển và hội nhập, địa phương nào cũng cạnh tranh phát triển, trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư với mục tiêu xây dựng địa phương mình giàu mạnh. Làn sóng đầu tư trên phạm vi cả nước trong những năm qua có bước phát triển vượt bậc. Đảng, Nhà nước, Chính phủ kịp thời có những chủ trương, chính sách cởi mở, thủ tục đầu tư được cải cách nhanh, gọn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước bung ra nhiều dự án sản xuất kinh doanh. Trên thương trường xuất hiện khái niệm “đại gia”. “Đại gia” ở đây đề cập tới các doanh nghiệp mạnh. Từ đây, dễ dàng nhận rõ vai trò của “đại gia” trong xây dựng phát triển đất nước. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... có nhiều “đại gia”mở ra nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh bắt nhịp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang là một nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn đầu tư của quá trình chuyển đổi, tăng trưởng của nền kinh tế nước ta được đánh giá là nước đứng vị thế cao trên thế giới.
Những năm qua, ai cũng nhận định rõ được rằng khu vực kinh tế tư nhân của đất nước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả chất và lượng trong các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và thu hút nguồn nhân lực. Chính việc hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế ngày một sâu rộng, kinh tế tư nhân đã đứng vững, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh cao với các nước trong khu vực và thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, số doanh nghiệp tư nhân tăng 15 lần từ 31.000 năm 2000 lên hơn 400.000 doanh nghiệp hiện nay. Vốn đăng ký kinh doanh trung bình trong giai đoạn này cũng tăng gấp 10 lần, từ 900 triệu đồng/doanh nghiệp năm 2000 lên 9 tỷ đồng/doanh nghiệp năm 2010. Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015 sẽ có khoảng 650.000 doanh nghiệp thành lập mới. Rõ ràng, chính sách phát triển kinh tế khu vực tư nhân trong những năm qua đã có những cải biến mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho sự đóng góp của khu vực vào mức tăng trưởng chung của đất nước.
Ở tỉnh ta, công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, thu hút 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số vốn đăng ký hơn 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư (bao gồm cả vốn tín dụng) chiếm 61% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhìn thẳng vào sự thật thấy rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều doanh nghiệp tham gia trên thương trường, nhưng doanh nghiệp mạnh mang tính “đại gia” còn mờ nhạt. Giới kinh doanh và các nhà kinh tế nhận định tỉnh ta còn thiếu “đại gia”. Vai trò của đại gia trong việc góp phần làm cho bức tranh phát triển kinh tế-xã hội có màu sắc là hiện hữu của tình hình phát triển của ngành và địa phương. “Đại gia” có mấy cái mạnh. Thứ nhất là trường vốn. Thứ hai là tổ chức sản xuất kinh doanh sáng tạo mang tính đột phá. Thứ ba là say sưa với công việc, hết lòng hết sức với công việc, quan tâm đến chuyên môn, khoa học công nghệ, ý tưởng sản xuất kinh doanh chảy theo dòng chảy của hội nhập và phát triển. Cho nên, kêu gọi, tập hợp, kích cầu “đại gia” tham gia đầu tư vào Thừa Thiên Huế là một nhiệm vụ cốt lõi cho tăng tốc và phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến nhận định, người Huế xa quê làm ăn khấm khá lắm, nhiều người sinh hoạt, cạnh tranh trên thương trường xứng danh sánh cùng giới “đại gia”. Họ đang ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả ở nước ngoài. Chúng ta đang thiếu vốn, thiếu nhà sản xuất kinh doanh chuyên nghiêp có tiếng tăm. Việc tập hợp được “đại gia” về Thừa Thiên Huế đầu tư là việc làm cũng phải chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong kêu gọi, quảng bá đầu tư. Chuyên nghiệp trong tiếp đón và bày ra những cải cách thủ tục đầu tư nhanh, gọn. Xem nó như là một lực hút lôi kéo “đại gia”. Nếu không như vậy thì chỉ dừng lại ở phần lý thuyết, thủ tục kêu gọi đầu tư. Cách đây 5 năm, chúng tôi có gặp vài “đại gia” người Huế xa quê muốn về Huế đầu tư nhưng họ “phàn nàn” vào ra nhiều lần, thủ tục chậm nên nản, bỏ cuộc giữa chừng. Điều các “đại gia” kêu là thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng chậm và thiếu kiên quyết là một trở ngại lớn cho công việc của họ. Đã là “đại gia”, họ có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở các tỉnh bạn, thì giờ đối với họ quý như vàng. Chờ đợi là điều tối kỵ đối với họ. Đó là chưa nói phải qua quá nhiều cửa...
Đi tham quan một số tỉnh, thấy nhiều công trình xây dựng mang tính sản xuất kinh doanh lớn đến choáng ngợp, khi tìm hiểu nó luôn gắn với một “đại gia” có tên tuổi. Chính họ đã làm cho vùng đất chuyển động, chuyển động đến bất ngờ. Nhiều công trình thu hút cả nguồn lực thợ bậc cao của tỉnh ta tham gia xây dựng; trong đó, thợ đúc đồng, thợ mộc, thợ nề... bậc cao chiếm tỉ lệ lớn.
Doanh nghiệp tư nhân khi có ý tưởng kinh doanh tốt, đầu tư đúng hướng, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, sức bật của họ bay xa rất nhanh, hiệu quả đem lại lớn.
Thừa Thiên Huế chưa có “đại gia” tầm cỡ, nhưng nhìn nhiều “đại gia bình bình” ai cũng thừa nhận họ làm ăn táo bạo, chuyên nghiệp, chăm lo cho sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp đi vào hướng khoa học, hiện đại, chuyên sâu, ăn chắc.
Cho nên kích cầu “đại gia” đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa xã hội là một mệnh đề cần đặt ra.
Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Bồ tổ chức trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại đỉnh núi Hòn Vượn từ ngày 26/4 - 1/5.

Không để cháy rừng Hòn Vượn trong dịp lễ
Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Return to top