ClockThứ Tư, 01/05/2013 14:35

A Lưới & cảm nhận vui

TTH - Buổi sáng tháng tư, vùng cao A Lưới chan hòa ánh nắng. Chiếc ô tô 8 chỗ ngồi dừng lại. Bước xuống xe, phía trước tôi là trụ sở UBND xã Nhâm khang trang và hiện đại. Cách đó không xa là khu du lịch sinh thái A Hưa. Từ đây, có thể ven theo con đường mòn để chinh phục A Bia, nơi mà người Mỹ thường gọi bằng cái tên đầy hãi hùng: đồi thịt băm (Hamburger Hill). Còn với tôi hôm nay là một cảm nhận thật nhẹ nhàng về hành trình mới trải qua. Không còn những cú giật, cú sốc và sự ngột ngạt, khó chịu như ngày nào của ba mươi năm về trước khi từ Huế, tôi phải ra Quảng Trị, rồi vòng lại A Lưới… Phải ròng rã gần cả ngày trời ê ẩm ngồi xe. Nó thật khác xa với khoảng thời gian bấm nút vẻn vẹn chỉ 90 phút bây giờ. Quốc lộ 49A, đường Hồ Chí Minh, rồi cả một hệ thống giao thông rộng khắp khiến cho khoảng cách giữa A Lưới và miền xuôi hay giữa các thôn bản trong huyện như gần lại.

Mạng lưới giao thông được hình thành không chỉ đơn thuần phát triển cơ sở hạ tầng mà còn kéo theo những biến đổi nhiều mặt trong kinh tế - xã hội. Một quả chuối hay củ sắn xưa kia làm ra muốn bán để kiếm tiền mua thêm tý dầu, tý muối, bà con dân tộc phải gùi có khi cả chục cây số và mất cả ngày trời vì xa xôi, cách trở, đường xá đi lại khó khăn. Rồi nữa là chuyện chèn ép “mua rẻ bán đắt” của các loại gian thương. Vậy nên, cứ thế mà quẩn quanh trong cái gọi tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp. Năm 1983, tôi có dịp về công tác tại xã Hồng Hạ. Lúc đó đường 49 chưa lưu thông, phải đi bộ ngược từ thị trấn về, ròng rã cả buổi. Suốt hơn tuần lễ ở lại, sinh viên chúng tôi được bà con dân tộc nuôi ngày hai bữa bằng thứ cơm có hơn nửa là sắn độn và loại canh thập cẩm có sắn, có rau, có cả những con cá nhỏ tý, đơm đặt từ con sông Bồ chảy qua như một dòng suối nhỏ phía trước. Đó đã là quá vãng của một thời. Khoảng cách giữa A Lưới với vùng xuôi giờ thu hẹp đến bất ngờ.

Người dân A Lưới học làm du lịch. Ảnh: DMZ

 Xã Nhâm mà tôi mới dịp ghé thăm là một ví dụ. Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, từ chỗ sản xuất du canh du cư, xã Nhâm đã có một cơ cấu kinh tế khá hoàn chỉnh và hiện đại. Người dân xã Nhâm trồng trọt, chăn nuôi và biết làm cả du lịch sinh thái. Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2012 đạt gần 140 ha, bao gồm các loại cây trồng như lúa nước, ngô, sắn và chuối. Sản lượng lương thực có hạt đạt 900 tấn. Đặc biệt, với tổng diện tích gần 350 ha, cây cà phê đang trở thành nguồn thu nhập có vị đặc biệt quan trọng trong đời sống. Xã Nhâm cũng có đàn gia súc lên tới trên 1.000 con. Khu du lịch sinh thái A Hưa tạo nên một nét mới trong đời sống người dân vùng cao này. Cũng đã có những thống kê vui khi biết rằng, xã Nhâm có thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 9 triệu đồng mỗi năm; bình quân lương thực mỗi người một năm cũng đạt trên 400 kg. Những con số đáng mừng và suy ngẫm về một vùng đất một thời không xa bom đạn và cằn cỗi như xã Nhâm. 

Đổi thay của xã Nhâm là hệ quả của những tác động mang tính tổng hợp, đầu tư gắn liền với phát triển. Trở lại A Lưới mấy chục năm về trước khi mà mọi cái đều ở vị trí xuất phát điểm mới thấm thía rằng, để có được sự phát triển như hôm nay, cái giá của sự đầu tư dành cho vùng đất này lớn đến nhường nào. Ngay những ngày đầu giải phóng, cùng với thực hiện định canh định cư cho đồng bào các dân tộc ít người là sự xuất hiện những vùng kinh tế mới của người Kinh, đem đến những nếp nghĩ, việc làm mang tính cách mạng ở vùng cao A Lưới. Cùng lúc, những cán bộ miền xuôi cũng đã kịp thời có mặt. Tôi nhớ hoài những chiếc xe lên A Lưới chật ních người và hàng hóa, có rất nhiều cậu trẻ và cô trẻ là những giáo viên. Qua mỗi xã bản là mỗi lần xe dừng lại và tôi không quên những bóng hình họ khuất dần sau những con đường quanh co và khuất chìm dưới bóng cây rừng. Nhiều thế hệ cán bộ A Lưới trưởng thành hôm nay đã bắt đầu từ những lớp học tạm bợ tranh tre lá nứa kia. Mấy chục năm qua, bao thế hệ cán bộ miền xuôi cũng được tăng cường cho A Lưới và mới đây là đội ngũ bác sĩ tuyến tỉnh được tăng phái cho các trạm y tế xã ở A Lưới nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh đội ngũ y tế cơ sở đang trong quá trình đào tạo nên còn thiếu hụt.

Nhớ buổi sáng chuyện trò cùng Phan Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, nghe báo cáo tình hình, tôi bất chợt giật mình khi nghe anh bảo, bây giờ dân mình hiểu biết lắm. Tuyên truyền mà nói suông là không xong. Phương châm do thế phải là “dân biết, dân bàn và dân hưởng lợi”. Thì đây điều mà bà con các dân tộc A Lưới hưởng lợi trong mấy chục năm qua. Cùng với hành trình những con đường được mở ra là sự đầu tư về điện nuớc, là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng vùng đất, xóa đói giảm nghèo gắn với các tên gọi đầy thân thương, như chương trình lớn như 134 hay 135. Lần lượt những mục tiêu lớn được chinh phục, như: định canh định cư, xóa được cảnh đói rách và cửa nhà tạm bợ, bảo đảm nhu cầu học hành cho con em, đưa điện lưới cùng nước sạch đến tận hộ gia đình. Mới đây là thực hiện đô thị hóa và quan trọng hơn cả là tạo điều kiện để bà con các dân tộc phát triển kinh tế bền vững, biết tư duy và khả năng lao động sáng tạo khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có. Thật ấn tượng khi biết rằng, năm 2012 vừa qua, trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, A Lưới vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, tổng giá trị sản xuất đạt 963 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2011; đặc biệt, các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch tăng từ 11 đến hơn 17%.

Buổi trưa ở lại thị trấn A Lưới, tôi cùng mấy người bạn chọn một nhà khách để nghỉ. Tiện nghi sang trọng, đầy đủ và giá cũng rất phải chăng, đâu chừng 50 nghìn đồng một người. Tôi được biết, không còn như ngày nào tạm bợ, nhiều người có dịp công tác hay đi qua A Lưới trong ngày cũng thường chọn cách này và đây cũng là hướng mở trong làm ăn của nhiều người dân nơi vùng núi cao này. Ở trên tầng cao của nhà khách, buổi trưa trời nắng nhạt, phóng tầm nhìn ra nhiều hướng của phố núi cao mới như ngỡ ngàng nhận thấy sự đổi thay nhiều lắm. Đô thị được quy hoạch ngăn nắp, hiện đại. Các dãy phố dọc ngang sang trọng, với nhiều loaị cửa hàng, biển hiệu. Những đường phố có tên gọi rộng rãi, thoáng mát và có đông người qua lại. Khu chợ trung tâm đông đúc người bán kẻ mua. Cái chất đô thị cũng đã in dấu trong cách ăn mặc và đi lại của những người dân trên phố. Tôi mừng khi biết, địa phương đang tập trung thực hiện đề mở rộng đô thị A Lưới thành đô thị loại 4 trong tương lai để cùng với cả tỉnh thực hiện thành công Kết luận 48 đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơn mưa rừng đổ về như một lập trình sẵn có trong ngày vào dịp giao chuyển từ xuân sang hè khiến cho tiết trời A Lưới luôn có có sự cân bằng dịu mát trong ngày. Trên đường trở về Huế, tới ngã ba Bốt Đỏ, anh bạn cùng đi đề xuất rẽ vào Đông Sơn, nơi có sân bay A So. Một thời chiến tranh, đây được xem là nơi khởi đầu cho cho các hoạt động quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn hòng chống lại các hoạt động vũ trang cách mạng, khống chế hành lang chiến lược phía tây dãy Trường Sơn, ngăn chặn sự lớn mạnh của con đường chiến lược Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào và miền Nam ra. Dấu xưa còn lại là một vùng hoang hóa, bời bời cỏ dại... như gợi lại trong tôi một quá khứ thương đau vẫn hiện hữu. Cùng với A So, A Lưới vẫn còn lại những địa danh chiến tranh hãi hùng như dốc Mạ Ơi hay suối Máu mà chiều nay tôi lại đi qua. Nó như một lời nhắc nhở về cái giá đắt đỏ phải trả cho hòa bình và sự trân trọng về những gì mà A Lưới có được hôm nay... 

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”

Sáng 17/11, Nhà Xuất bản Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức chương trình “Người Huế kể chuyện Huế”, giao lưu với nhà văn, nhà báo Phi Tân và nhà văn, nhà nghiên cứu Lê Vũ Trường Giang nhân dịp ra mắt sách “Người Huế kể chuyện Huế” và “Học trò bên kia phá Tam Giang”.

Giao lưu “Người Huế kể chuyện Huế”
Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong

Mỗi năm, khi mùa màng đã thu hoạch và cuộc sống người dân ổn định, đồng bào Cơ Tu tại huyện A Lưới lại hân hoan chuẩn bị cho lễ hội Tấc Ka Coong, một lễ hội truyền thống linh thiêng và đặc biệt. Đây không chỉ là dịp để người Cơ Tu bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, thần linh, mà còn là cơ hội để cộng đồng gắn kết và khẳng định giá trị văn hóa bản sắc của mình.

Hân hoan cùng lễ hội Tấc Ka Coong
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Return to top