GS Trần Văn Khê và nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh tại phiên chợ Gia Lạc được giới thiệu trong khuôn viên trường đại học dân lập Munich (Đức)
Bằng niềm yêu tha thiết với di sản của tiền nhân, nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh đã để tâm tìm hiểu, nghiên cứu, phục dựng nguyên bản phiên chợ thú vị này, lại còn đưa phiên chợ Gia Lạc vượt biên giới đến với Đức, Pháp ở tận trời Âu.
Những phiên chợ Gia Lạc được phục dựng may mắn có sự hiện diện,chứng kiến của cố Giáo sư, Tiến sĩ - Nhạc sĩ Trần Văn Khê. Và vị giáo sư tài hoa đáng kính của chúng ta đã lưu lại những nhận xét về phiên chợ kỳ lạ mà nhân văn này. Cũng thật may mắn, những ý kiến của cố GS.TS - Nhạc sĩ Trần Văn Khê vẫn đang còn được nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh lưu giữ. Nhân tết Quý Mão đang về, chị đã gửi đến Báo Thừa Thiên Huế như một món quà xuân dành tặng bạn đọc...
GS.TS. Trần Văn Khê dự khai mạc một phiên chợ Gia Lạc do nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh phục dựng
Cố đô Huế là vùng đất còn giữ được những nét đẹp của thuần phong mỹ tục, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Mùa xuân xứ Huế, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, vẫn còn lưu giữ những nét truyền thống tốt đẹp. Tất cả hòa quyện làm nên một tết Huế rất riêng, rất đáng để ta thưởng thức và suy ngẫm… Một trong những nét đẹp đó chính là những phiên chợ tết, mà đậm đà không khí Huế và mang tính nhân văn nhứt phải kể đến phiên chợ Tết mang tên Gia Lạc - Chợ Tết của người Huế xưa - nay chỉ còn trong sử sách và đã chìm vào quên lãng kể từ năm 1945. Phiên chợ này do hoàng tử Nguyễn Phúc Bính, tước hiệu Định Viễn quận vương, là con thứ 6 của vua Gia Long lập ra từ 200 năm trước để hòa cùng với dân chúng vui chơi ngày xuân.
Phủ của Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính ở Phú Thượng, TP. Huế - Người khai sinh chợ tết Gia Lạc
Đi ngược lại với tư tưởng của vua và triều thần bấy giờ là xem trọng việc làm nông mà hạn chế việc mua bán, vị hoàng tử này lại đặc biệt say mê kinh doanh và rất giàu có. Tuy nhiên, vua Minh Mạng - anh em của Định Viễn quận vương bấy giờ chỉ muốn hoàng thân quốc thích theo đuổi lối học từ chương và tránh xa việc thương mại, quốc phòng nên Định Viễn quận vương thường bị vua khiển trách.
Do hợp tác buôn bán với thương nhân nước ngoài nên Định Viễn quận vương rất cởi mở và giao tiếp với nhiều giới. Ông đã lập ra phiên chợ tết Gia Lạc nằm ngay trên đường về thôn Vỹ Dạ, nơi ngã ba làng Nam Phổ. Đến đây, mọi người sẽ được tham gia các trò chơi ngày tết của cung đình và của dân gian, thưởng thức các món ăn từ dân dã đến cao sang, mua sắm các đồ chơi, vật dụng, vật trưng bày ngày tết. Ban đầu chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi.
Hội bài chòi - trò chơi luôn hiện diện ở phiên chợ tết Gia Lạc
Nhìn lại lịch sử, thấy một nguyên nhân quan trọng khiến triều Nguyễn trở nên suy yếu là do đã coi thường việc kinh doanh, tìm cách hạn chế việc đi lại, giao thương của người dân nên xã hội trở nên trì trệ, lạc hậu. Trong bối cảnh đó vẫn có những người trong chừng mực dám đi ngược lại chính sách chung của triều đình như Định Viễn quận vương, làm giàu thêm cả về vật chất lẫn tinh thần cho đời sống người dân Huế. Cái tên Gia Lạc có nghĩa là thêm niềm vui.
Đối với người Việt Nam, một nét văn hóa thuần Việt là nét văn hóa bao gồm nhiều yếu tố. Ngoài sự hòa quyện lòng người, hồn người, còn hòa hợp tất cả về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có thể kể đến, như âm nhạc, kịch nghệ, văn chương, kinh tế, vui chơi giải trí, ẩm thực… Phiên chợ Gia Lạc hôm nay vừa là một nơi chúng ta có thể du xuân để mua sắm những món hàng ta ưa thích.
Mắt thấy những vật phẩm ngày tết rực rỡ, tươi đẹp từ hoa giấy Thanh Tiên rộn ràng màu sắc phù hợp với đạo Mẫu Thiên Y Ana, bông đũa ngũ sắc dùng để cúng các lễ đầu năm tại bếp, vườn, các hình nhân bổn mạng cho tới các loại tranh ảnh treo tết như tranh làng Sình, sử dụng chất liệu màu sắc từ thiên nhiên (màu đỏ của đất bazan, màu đen của vỏ cây, màu xanh của lá… ), và đặc biệt nhứt là tranh liễn làng Chuồn một thời vang bóng. Những món đồ chơi dân gian như con tu huýt làm từ đất nung của làng cổ Phước Tích, con lùng tung ngũ sắc mà khi quay sẽ tạo ra âm thanh như một bản hòa âm của côn trùng miền quê, các con bột ngũ sắc…
Đồng thời, chúng ta còn được thưởng thức hương vị của những món ăn thuần túy trong văn hóa ẩm thực Huế. Từ những món bánh trái đơn sơ, như: bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh phất, bánh tét làng Chuồn, xôi thịt hon… tới những món nấu ăn theo lối cổ truyền Huế rất đặc biệt như món gắp tư dùng với đồ chua, món khối bò, bánh ướt dùng với thịt bê xáo, bánh kê dùng với gà nướng lá chanh, bánh canh Nam Phổ, cuốn tôm chua, thịt phay mắm rò… Ngoài ra là những món ngọt ngày tết trong cung đình, phủ đệ như món xôi đường nổi tiếng của làng cổ Phước Yên, bánh bài, bánh trái cây, mứt cam sành, mứt bát bửu…
Không những được nếm vị Huế thơm ngon nồng đượm, tai ta lại có thể nghe những giai điệu ngọt ngào đậm đà chất Huế cố đô qua tiếng đờn Tranh mượt mà, sâu lắng, gợi cho ta tìm về cái nên thơ, tế nhị mà sâu sắc của Huế mộng Huế mơ một thời vàng son. Ngoài tiếng nhạc dìu dặt đưa bước chân ta du xuân dạo chợ, ta còn có dịp nghe lại những tiếng hô bài tới, tiếng rao bài chòi vui tươi, dí dỏm, tiếng hô chơi bầu cua tôm cá làm cho không khí ngày xuân náo nhiệt vô cùng. Đặc biệt còn có cả trò chơi ngày tết thường chơi trong cung đình là hội Xăm hường, được tổ chức như một hội thi thời phong kiến với đủ các cấp từ tú tài, cử nhơn, tiến sĩ…
Đây không phải là lần đầu tiên phiên chợ Tết Gia Lạc này được phục dựng và tổ chức ở thời hiện đại của chúng ta, nhưng là lần đầu tiên được phục dựng lại và tổ chức tại Việt Nam - quê hương xứ sở nơi phát tích những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông ta đã dày công tạo dựng từ xưa.
Với một lễ hội có tính nhân văn như vậy chỉ còn lại trong sử sách và đã chìm vào quên lãng kể từ khi chế độ quân chủ chấm dứt vào năm 1945 thì mãi đến năm 2002, lần thứ nhất cô Hồ Thị Hoàng Anh nhận lời mời của Trung tâm Giao lưu Đức Á tái hiện phiên chợ Gia Lạc ngay tại khuôn viên của trường đại học dân lập Munchen (Munich - Đức ). Và trong tuần lễ giao lưu văn hóa đó, phiên chợ Tết Gia Lạc đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người Đức đến với nét đẹp văn hóa sâu sắc của người Việt Nam.
Nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh được giới thiệu trên báo Oest France ( Pháp )
Lần thứ hai cô nhận lời mời của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa tại Nantes (Pháp) để tái hiện màu sắc của chợ Gia Lạc trong buổi Dạ tiệc cuối năm được tổ chức tại Le Lieu Unique do chính cô đảm trách.
Và lần thứ ba nhưng lại là lần thứ nhất phục dựng phiên chợ Gia Lạc tại TP. Hồ Chí Minh, quê nhà Việt Nam theo lời mời của Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương.
Gs Trần Văn Khê và nhà thơ TN Hỷ Khương tham quan phiên chợ Gia Lạc được phục dựng tại Đức
Tôi có may mắn đã từng được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về hai phiên chợ Tết Gia Lạc tại Đức và Pháp. Nhờ cái may đó tôi đã thấy được sự đón tiếp nồng hậu, tình cảm nồng nhiệt của báo giới và người dân nước ngoài về văn hóa châu Á, nhứt là văn hóa Việt Nam, chứng tỏ rằng nét đẹp văn hóa phương Đông - văn hóa Việt Nam có sức hút đặc biệt với người phương Tây. Đặc biệt nhứt là khi tham dự phiên chợ này, Hồ Thị Hoàng Anh đã được báo giới ngoại quốc cùng đặt cho một danh hiệu rất cao quý là “Princess” (nghĩa là công nương) vì phong thái sang trọng quý phái và cách đối đãi lịch thiệp với mọi người mà ít ai biết được cô chỉ là hậu duệ của một người đầu bếp chánh cho cung đình, không phải xuất thân quyền quý hoàng tộc. Nhờ vào điểm đó tôi càng thấy được sự tế nhị trong phong cách sống của người xứ Huế thông qua những cử chỉ, những đối đãi với mình và mọi người.
Mong rằng các bạn sẽ được ăn ngon, chơi vui, nghe nhạc hay, có được những món đồ chơi giữ làm may mắn cho năm mới và nhứt là thưởng thức được nhiều nét văn hóa cổ truyền đất thần kinh tưởng đã chìm vào dĩ vãng.
Tháng 1/2012
Bài: GS.TS. Trần Văn Khê
Ảnh: HK - HHA