ClockThứ Sáu, 18/12/2020 22:21

Áo dài & ẩm thực

TTH - Một ban tổ chức cả Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 của Thừa Thiên Huế được thành lập. Và cùng một lúc, vào hạ tuần tháng 12 này, Huế khai mạc Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 như một sự kích cầu du lịch sau một năm dồn dập dịch bệnh - thiên tai và đón chào năm mới Tân Sửu 2021.

Luôn là “kinh đô ẩm thực”

Khoan hãy bàn đến không gian tổ chức hay chương trình cụ thể của Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực. Tôi thích cái ý tưởng tổ chức song hành của 2 lễ hội này. Tiếng Việt ta có từ “ăn mặc”. Nghĩa của từ này chủ yếu là mặc, ăn mặc gọn gàng hay thích ăn mặc đẹp, và có từ đồng nghĩa là “ăn bận”. Thế nhưng, không phải vô cớ mà cha ông ta xưa và cả ta ngày nay vẫn cứ thế mà ăn mặc, ăn ngon (sang) mặc đẹp, đi liền và luôn gắn quyện vào nhau.

Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì người Huế tự hào có tới 1.300 món, gồm cả món ăn dân gian, món ăn cung đình, món ăn chay và trong đó toàn cả món ăn ngon, mang những sắc thái riêng có của văn hóa Huế. Riêng mặc, không nhiều những sản phẩm đặc trưng, nhưng chỉ với chiếc áo dài thôi cũng đã quá đủ để người Huế tự hào.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lịch sử ra đời của áo dài bắt nguồn từ năm 1744 sau khi lên ngôi ở Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài, từ chiếc áo dài xứ Bắc xưa xẻ giữa thân trước thành hai vạt không có khuy, đến chiếc áo dài Đàng Trong mà vạt được xẻ thành tà áo. Phụ nữ Huế xưa coi áo dài như một trang phục thường ngày và ai cũng có vài bộ cho riêng mình.

Trình diễn thời trang áo dài tại Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020. Ảnh: MC

Người Huế luôn biết cách gìn giữ và tôn vinh vẻ đẹp áo dài. Đã có rất nhiều lễ hội Áo dài được tổ chức trong những năm qua. Năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vận động nữ cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên mang trang phục áo dài truyền thống tối thiểu 2 đến 3 ngày trong tuần. Mới đây, nam công chức của Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài vào thứ hai đầu mỗi tháng để “nhớ về trang phục truyền thống của dân tộc”.

Huế cũng đang hướng tới xây dựng để trở thành “kinh đô ẩm thực Việt”. Ẩm thực Huế chịu ảnh hưởng của những luồng văn hóa đến từ những cộng đồng dân cư khác nhau và những đặc thù xứ sở nên mang những sắc thái riêng, là một phần của văn hóa Huế. Các món ăn Huế chú trọng thưởng thức, không cốt để ăn no, bữa ăn hoặc bữa tiệc, cổ bàn được trình bày mỗi món một chút chứ không thịnh soạn, la liệt. Bản sắc ẩm thực Huế lan toả khắp cả nước với những món ăn đậm đà chất Huế.

Trở lại với Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020. Không gian lễ hội là đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường Lê Lợi và cầu đi bộ gỗ lim, nơi có nhiều địa chỉ văn hóa - du lịch. Lễ hội Ẩm thực với khoảng 70 - 80 gian hàng, sẽ giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của văn hóa ẩm thực Huế. Còn với Ngày hội Áo dài, là chuỗi hoạt động quảng diễn, trình diễn áo dài Huế và điểm nhấn là chương trình trình diễn áo dài Nhật Bình, áo dài ngũ thân.

Tôi chờ đợi chiếc cầu đi bộ gỗ lim trên sông Hương rực sáng sau bao ngày mưa gió trong Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020. Tôi nghĩ, đó là cách để người Huế có thể sống lại với hoài niệm và ký ức một thời ngẩn ngơ “Tôi về xứ Huế chiều mưa/Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu (thơ Nguyễn Duy); qua đó, gìn giữ tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của vùng đất.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách

“Áo dài truyền thống – hành trình trở lại” (NXB Thế Giới) vừa được ra mắt tại Huế - vùng đất được mệnh danh là kinh đô của áo dài. Ấn phẩm được xem như là cẩm nang xuyên suốt về áo dài, với sự góp mặt của các tác giả từ chính khách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà báo…

Hành trình áo dài từ đời thực lên sách
Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa

Sau hơn 4 năm triển khai, đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã ít nhiều lan tỏa đến với công chúng thông qua rất nhiều các hoạt động, sự kiện hưởng ứng. Cùng với đó là những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may đo, cũng như khuyến khích, ủng hộ người dân mặc áo dài vào những dịp, sự kiện quan trọng, hình ảnh áo dài đã trở thành nét đẹp quen thuộc.

Lan tỏa hình ảnh áo dài theo hướng xã hội hóa
Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok?

Trong khuôn khổ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024, lần đầu tiên, áo dài Việt Nam đứng chung sân khấu với hanbok của Hàn Quốc trong một đêm trình diễn. Tuy vậy, áo dài và hanbok lại có hai số phận khác nhau, dù rằng đều là trang phục truyền thống của hai dân tộc.

Áo dài đứng chung sân khấu với hanbok và bao giờ được như hanbok
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế

TIN MỚI

Return to top