Muốn chơi một nhạc cụ không hề khó nếu dành thời gian để học và tập luyện. Ảnh: Hoàng Hải Quân
Học theo cảm xúc
Đến gần Trung tâm giảng dạy âm nhạc (TTGDAN) Melody Huế, những thanh âm réo rắt, trong trẻo vang dồn tới tai tôi. Xen giữa những nốt nhạc đúng “tông” khiến người nghe thấy “khoái” là những nốt lạc điệu đáng yêu. Trong căn phòng học đàn piano, âm thanh của tiếng nói rất ít, dường như thầy trò giao tiếp với nhau nhiều nhất là qua âm nhạc. Trên những phím đàn đen trắng xen kẽ, những ngón tay như đang nhảy múa, dạo chơi. Các em học đàn trong tâm thế chỉ để “chơi”, không hàn lâm, không bó buộc mà tự do theo xúc cảm.
Thạc sĩ Hoàng Hải Quân, giảng viên Khoa Nghệ thuật Trường cao đẳng Sư phạm Huế, đồng sáng lập TTGDAN Melody, chia sẻ: “Melody nghĩa là giai điệu, chúng tôi đặt tên cho trung tâm theo ý nguyện, muốn mang đến những giai điệu đẹp cho đời. Chúng tôi quan sát, tìm hiểu và theo đặc thù, tính cách của mỗi em sẽ có phương pháp dạy khác nhau, không “cào bằng” trong cách dạy, không đưa ra quy chuẩn chung cho tất cả học viên”.
Trong các giáo trình, những nốt nhạc đơn điệu được biến tấu một cách ngộ nghĩnh và gần gũi, khiến các em có thể dễ hiểu và nhớ lâu hơn. Chẳng hạn, nốt đô được liên tưởng là bông hoa, nốt rê là mặt trời, nốt mi là con trai, nốt son là mặt trăng, nốt la là ngôi sao... Tôi để ý đến một cô bé rất xinh, thấy âm nhạc tràn ngập trong mắt em, trên đôi tay em, và bị thu hút bởi tiếng đàn đang phát ra từ những ngón tay thon nhỏ. Cô bé Bình Minh (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Lê Lợi) chia sẻ, em biết gảy đàn guitar, đàn ukulele và thích chơi giao hưởng trên những phím piano. “Em thích nhất các bản nhạc của nhạc sĩ Beethoven. Chen lẫn những âm thanh nhức nhối là những điệu nhạc chậm rãi buồn, đòi hỏi đôi tay phải không ngừng tập luyện mới theo được. Có những khi em tưởng tượng mình đang được xem một bức tranh khi đàn những bản nhạc đó, giữa những gam màu tối là gam màu sáng, giữa những gam màu nóng là gam màu lạnh, giữa những bức tranh đen trắng là tranh màu sinh động”.
Thùy Linh (đang học cao học tại Trường đại học Y dược Huế) cho hay, một lần vào quán café ôn bài nghe được tiếng đàn piano bài “Endless love”. Vì quá thích bài nhạc đó, lại muốn tự mình đàn được giai điệu mình thích, Linh quyết định đi học piano. Đây là một bản nhạc khá khó, dù Linh đã biết căn bản về âm nhạc, giáo viên vẫn khuyên cô nên tập đàn từ những bài dễ hơn. Cuối cùng, giáo viên thỏa thuận với sở thích của cô học trò và hướng dẫn Linh cách đàn hiệu quả. Linh chia sẻ: “Âm nhạc là ngẫu hứng, là đam mê. Mình muốn bắt đầu từ thứ mình thích hơn là phải học theo trình tự”.
Tự học không quá khó
Tôi từng xem Phú Linh (lớp 12, Trường THPT Gia Hội) cùng nhóm bạn biểu diễn tại một sân chơi âm nhạc khối học sinh và sinh viên toàn tỉnh. Linh gảy guitar “siêu” điệu nghệ và khá “phiêu” theo giai điệu. Sự chuyên nghiệp của em khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết Linh chưa từng theo học một lớp học nhạc cụ nào.
Phú Linh kể tự học guitar từ năm lớp 9. Em học qua các giáo trình dạy nhạc và mạng internet. Ban đầu, Linh bị đau tay khi bấm gam, sau nữa là nỗi chán nản khi chưa gảy đàn được như ý muốn. Những lúc nản chí, em thường gác đàn lại đi ngủ, nhưng khi tỉnh dậy, niềm đam mê lại thôi thúc em tiếp tục luyện tập. Qua thời gian, Linh dần hoàn thiện các nốt nhạc theo đúng ý mình. Bây giờ, em hướng đến phong cách Finger style (được hiểu là nâng cao của dòng guitar classic) đòi hỏi kỹ thuật rất cao và sự linh hoạt của bàn tay phải. “Với em, việc làm chủ những dây đàn không quá khó. Có ai đó đã nói thế này, tất cả những gì bạn cần làm là chạm vào đúng dây, đúng phím, đúng lúc và rồi nhạc cụ sẽ tự chơi. Học nhạc cụ là quá trình để luyện tập những cái ‘đúng’ đó”. Ngoài guitar, Linh còn luyện tập trống Cajon.
Với phần đông mọi người, quá trình học nhạc cụ chưa bao giờ là đơn giản. Âm nhạc phong phú và đa dạng từ cách thể hiện cho đến cách chơi như chính cảm xúc riêng của mỗi người. Cùng một nhạc cụ, cùng một bản nhạc nhưng mỗi ngón tay chạm vào phím đàn lại tạo nên âm thanh khác biệt. Không phải khác về cao độ, trường độ mà là khác nhau về phần “hồn”. “Tiếng đàn của các em chưa trong, chưa hay, đó không phải là vấn đề, vì thời gian và luyện tập sẽ rèn giũa được. Tôi cho rằng, đáng e ngại nhất khi ngọn lửa đam mê không còn bùng cháy, người ta không còn dùng cả trái tim để chơi đàn”, thạc sĩ trần Văn Dung, đồng sáng lập TTGDAN Melody, cho hay.
Phước Ly