ClockThứ Năm, 06/07/2017 05:51

Bolero không chỉ có “cô, chú”

TTH - CLB Bolero Huế không chỉ có giới trung niên biết đến mà bây giờ thu hút cả người trẻ tuổi.

CLB Bolero Huế thu hút giới trẻ

Chiều cuối tuần, sau khi dạo quanh Huế một vòng, chúng tôi dừng chân tại quán cà phê góc bờ hồ cạnh Trung tâm Thông tin văn hóa tỉnh. Vừa nhâm nhi ly cà phê sữa đá, lạ thay “con đường xưa em đi” ở đâu ra cứ văng vẳng bên tai. Hỏi mới biết, đó là những ca từ vọng ra từ tầng 2 căn nhà màu vàng bên hông Trung tâm Thông tin văn hóa tỉnh, nơi CLB Bolero Huế sinh hoạt mỗi chiều chủ nhật hàng tuần.

Âm thanh của những câu hát cứ thôi thúc chúng tôi tiến đến căn phòng đó. Vừa đến nơi, đã có người ra tận cửa bắt tay hỏi: “Mới đến lần đầu à? Kéo ghế ngồi đi. Rồi chuẩn bị lên hát”. Mắt chữ O, mồm chữ A vì chưa kịp hiểu chuyện, thì chị gái bên cạnh vỗ nhẹ vai, nói khẽ: “Nguyên tắc ở đây là vậy, ai mới đến, hát được hay không cũng lên hát chào mọi người một bài. Vừa chào hỏi thân thiện, vừa kiểm tra chuyên môn”.

“Ở đây hay lắm, già trẻ, trai gái gì cũng có. Đặc biệt là lớp trẻ ngày càng nhiều. Ai đến đây rồi, dù lần đầu hay nhiều lần nhưng gặp nhau là bắt tay cười, giới thiệu, trò chuyện, hát cho nhau nghe. Rứa mới biết CLB Bolero không chỉ “hát nhạc vàng” mà còn đậm tình người - anh Hữu Đạt, Chủ nhiệm CLB hào hứng nói.

Anh Đạt tiếp tục câu chuyện: “Cái hay của CLB là buổi sinh hoạt cuối tuần bao giờ cũng kín phòng. Nghe tên thì tưởng CLB toàn những người trưởng thành, lớn tuổi. Nhưng thật ra, thành viên CLB Bolero Huế phần lớn là các bạn trẻ. Người trẻ tìm đến đây phần vì “máu” bolero trong người, phần để học hỏi những kỹ năng về âm nhạc: cách chọn bài, cách hát, cách biểu diễn… Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ tình cờ đến đây, ngồi nghe, dần dần họ thấm và bắt đầu yêu thích dòng nhạc này. Từ một người hát không được, trở thành một giọng ca đầy triển vọng cho dòng nhạc bolero”.

Tiếng là sân chơi cho người lớn tuổi, nhưng thời gian sau này, giới trẻ, nhất là bạn trẻ Huế còn đông hơn nhiều. Mười mấy, đôi mươi mà sao hát bolero da diết đến lạ. Sau khi nghe một bạn trẻ đang say sưa thể hiện ca khúc mở màn cho buổi sinh hoạt mới biết anh chàng ấy tên Quang Vịnh, ca sĩ của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, Phó chủ nhiệm CLB, luôn có mặt cùng với ban nhạc để phục vụ mọi người mỗi tuần. Với Vịnh, để hát được một ca khúc bolero cho “tới”, mình phải hiểu được bài hát, đặt mình vào trong hoàn cảnh của câu chuyện và phải hát bằng cái tâm của mình nữa. Hơn hết, người hát phải biết “diễn sâu”.

Một người vừa mới tham gia CLB vì “máu” bolero di truyền từ bố mẹ cách đây hơn 2 tháng là Thanh Vân (27 tuổi). “Ngoài những chú lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm trong ban nhạc, thì CLB toàn người trẻ. Tới đây vừa vui lại vừa tình cảm, nên ai cũng thích. Ở đây mỗi người đều có một giọng hát riêng nhưng có điểm chung là khi cất tiếng hát lên là cứ thấy tình cảm dạt dào, “nghe mà nổi cả da gà”, Thanh Vân nói.

Càng ngồi lâu, càng thấy bạn trẻ đến càng nhiều. “Ban đầu mình chỉ đi cùng với bạn cho biết thôi. Đến rồi lại thấy thích. Vì mê cái không khí ở đây. Nó chân thành, thoải mái, giúp mình giải tỏa căng thẳng của bộn bề công việc sau một tuần dài”, chị Phạm Hà Thu (giáo viên) nói khi chúng tôi hỏi lý do tìm đến không gian này.

Bài, ảnh: Như Quỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăm cá mùa nước lên

Với những người ưa chuộng bộ môn câu cá, mỗi khi nghe nơi đâu có tăm cá, dù xa hàng chục cây số họ cũng sẵn sàng lặn lội đến nơi để thỏa lòng đam mê sông nước.

Tăm cá mùa nước lên
Check-in “tọa độ” mới

Ngày nghỉ, dịp cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, giới trẻ lại có thói quen tìm những “tọa độ” mới để bổ sung cho mình bộ sưu tập ảnh sống ảo. Thay vì bỏ công tìm những địa điểm vui chơi xa, gần đây, nhiều bạn trẻ chuyển hướng lựa chọn các điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm để check-in ngay trong thành phố.

Check-in “tọa độ” mới
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Return to top