ClockThứ Năm, 21/06/2012 19:45

Bức tường và hàng rào thấp

TTH - Cái chuông gió phía sau hiên nhà bây giờ không còn kêu leng keng nữa. Cái khoảng không gian rất đẹp mà mình thường hãnh diện khi giới thiệu với mọi người đã bị đóng kín mất rồi, từ khi phân nửa diện tích của Nam Giao hoài cổ đã bị người ta gỡ ra, mang đi và xây lại bằng những viên gạch. Thế nên mấy ngày qua, mỗi khi về nhà, mình lại thấy thiêu thiếu một cái gì, mất mát một điều gì.
Ảnh minh hoạ

Ngày trước, sát mé hiên sau nhà, là một trường lang với mái lưu ly nâu hồng đôi chỗ bám rêu trông rất nhu mì. Là nơi mà đứng ngay cửa, dẫu không cố tình, mình vẫn trông thấy vài ba người quen chuyện trò hay lặng lẽ bên ly cafe. Là nơi mà rất nhiều khi, mình thấy cực kỳ thú vị khi thấp thoáng mấy tà áo dài ở lối đi dưới trường lang bé bỏng. Những điều đó ấn tượng hơn nhiều dù có những khi cả nhà nghe luôn các loại mùi thức ăn mà người ta dọn tiệc. Là cái ầm ĩ ban trưa của các tiệc cưới đồng phục. Cả tiếng cãi cọ không hiền lành nhưng nghe vẫn thấy thương những phận người...

Cái không gian âm thầm và nồng nàn nhạc Trịnh giờ đã bị bưng kín lại mất rồi. Gió không còn lay nữa. Mưa không còn hắt qua. May còn chút ánh sáng trên cao đủ để mé hiên nhà mình không tối...

Và mình nhận ra một điều cũng cũ, cái mà mình ngỡ như là sở hữu mấy năm qua chỉ là sự nương nhờ. Nó không hề phụ thuộc vào ta và rời bỏ ta một cách ráo hoảnh và ngạo nghễ...

Thì cũng còn may là nhà mình vẫn còn gió bên hông và phía trước là những bằng lăng, quan âm và chuỗi ngọc hoa tím li ti, mấy nhánh lan phượng vĩ kiên trì vươn mình vào nắng, với vài dây lâm phượng vĩ đã leo lên đến tầng thượng. Thì cũng may là vẫn còn có chỗ để những khi trở về nhà, mình và mọi người lại ngồi ở hành lang phòng khách, trò chuyện bên xanh hiền. Vẫn có thể nghe âm thanh u u như tiếng nước, tiếng gió ở đâu xa lắm mà chiếc chuông gió gọi về từ Tây Nguyên xa...

Cây không cao, nên từ ban công phòng khách lệch tầng, ngỡ như là có thể trờ tay là bẻ được cành, hái được hoa, nghe lũ ong ríu rít tìm mật dù có khi cũng sợ nó quay lại cắn cho một phát, để rồi sưng ù lên mất mấy ngày như bé Xim dạo nào...

Cũng may là nhà mình có một hàng rào thấp. Không phải gỗ nhưng đã nhiều người nhầm là gỗ. Buổi sáng mình vẫn có thể gọi tên bé nhóc con nhà hàng xóm khi nó loẹt quẹt tiếng dép, lúc nào đó vẫn có thể đưa tay nhận một miếng mít thơm ơi là thơm hay nói chuyện gì đó với cô bạn hàng xóm bên kia đường tạt qua. Vẫn có thể cười chào bà bán rau quả thường hay qua nhà...

Mình gõ mấy dòng này vì lây ý của bài báo trên Tuổi Trẻ chủ nhật mình đọc lúc ngồi họp ở tổ dân phố nóng ơi là nóng. Và điều cơ bản là khi mình gấp trang báo lại, thì mình thấy, trong mình cũng có bức tường và hàng rào thấp...

Hạnh Nhi
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Lắng nghe vườn Huế

“Tôi nghiên cứu nhà vườn như mối liên hệ giữa nghệ thuật với văn hóa Việt Nam, mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất và tinh thần Huế. Nét văn hóa ẩn tàng vẫn còn tồn tại trong những giá trị và bản sắc Huế ngày nay”, Giáo sư (GS), kiến trúc sư (KTS) cảnh quan Kimberlee Stryker (Đại học California, Berkeley) đã nói như vậy trong nghiên cứu về vườn Huế: “Listening to the Gardens of Hue, Vietnam”, cách đây 25 năm.

Lắng nghe vườn Huế
Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top