Sách "Ô Châu cận lục" do Dương Văn An nhuận sắc tập thành (1553), ở mục đền miếu chép: “Đền thần Y Na: đền ở xã Khuất Phố, huyện Kim Trà. Tục truyền thần là đàn bà, cũng có linh ứng. Hàng năm đầu xuân đảo vũ, mở hội đua thuyền, quan bản hạt thân hành chủ tế thì được mưa ngay” [1].
Lễ tế tại đền thờ Dinh Bà
Khuất Phố là tên gọi xưa của làng Trạch Phổ. Đền thờ ở nơi này được người dân gọi là Dinh Bà hay Am Bà. Đây là thiết chế tâm linh do người Việt kế thừa từ cư dân bản địa khi mới di dân vào Thuận Hóa. Căn cứ vào lạc khoản khắc trên trụ gỗ của đền thờ, ta biết được đền đã được xây dựng lại vào năm Gia Long thứ 18 (1819), cách đây 200 năm. Đây là ngôi đền thờ thần Y Na xưa nhất ở Thừa Thiên Huế. Ngẫu tượng Linga – Yony được đặt sát nền đất ngay ở chính điện. Điều này chứng tỏ rằng, khi kế thừa thiết chế tâm linh của người Chăm, dân làng Trạch Phổ vẫn giữ nguyên vị trí đặt tượng thờ chứ không đưa lên cao. Người Chăm có tục lạy nằm nên tượng thờ Linga – Yony thường được đặt sát nền đất.
Hàng năm đến ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch, làng Trạch Phổ tổ chức lễ hội xuân tế ở Dinh Bà khá lớn. Bắt đầu từ chiều 12 là lễ cáo, tất cả các vị hương trưởng, bô lão trong làng đều tề tựu đông đủ. Lễ cáo có mục trình lễ vật dâng cúng là hai con cá vược còn sống được thả trong chậu nước. Hôm sau là lễ chánh tế, cá vược được làm thịt để làm cỗ cúng cùng với món chè khoai mài. Cá vược, khoai mài là hai món lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ cúng Dinh Bà hàng năm ở Trạch Phổ.
Cá vược là một loài cá lớn và hung dữ sống được cả ở vùng nước ngọt lẫn nước lợ. Ngày trước, ở cửa sông Ô Lâu nối liền với phá Tam Giang thường có nhiều miếu nhỏ được cư dân dựng lên để thờ thủy thần. Hàng năm, nhiều làng xã nằm ven sông Ô Lâu hoặc đầm phá Tam Giang thường tổ chức hội đua thuyền. Phần thưởng của hội đua thuyền là những lá cờ giải màu đỏ dài từ 3 đến 5 mét gọi là cờ phá, vì giải đua chung cuộc gọi là giải phá. Các đội thắng, đoạt được cờ phá mang về, dùng sào dài treo cờ rồi cắm bên cạnh những miếu nhỏ thờ thủy thần ở các doi đất hay cồn nổi trên sông. Ngày trước, khu vực miếu có cắm cờ phá là nơi cá vược thường tụ tập nhiều, nên cư dân vùng sông nước xem loài cá này là cá “thần” hay cá “ngài”, không ai dám đánh bắt. Lâu ngày, có nhiều con dài hơn 1 mét, nặng đến 4 – 5 chục cân là thường. Nhiều người dân thủy diện vùng phá Tam Giang tin rằng, cá vược là phương tiện đi lại của thần linh trên sông nước. Vì vậy, đôi khi thuyền bè đi lại trên sông, gặp đàn cá vược họ phải thắp hương cầu khấn hoặc phải lui thuyền chứ không dám đi tiếp.
Cá Vược được chọn làm lễ vật
Việc dâng cúng cá vược trong lễ tế dinh Bà (đền thần Y Na) Trạch Phổ là một tập tục có từ lâu đời, nhưng ngày nay ở trong làng chẳng ai lý giải được mà chỉ biết là tục “xưa bày nay làm”. Theo tôi, có lẽ cá vược được xem là “binh hầu” hoặc “phương tiện đi lại” mà người dân Trạch Phổ dâng cúng cho vị thần bảo hộ của làng.
Khoai mài là một loại củ có nhiều ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ngày xưa, khoai mài đã được xem là nguồn lương thực chính trước khi con người biết gieo trồng lúa và các giống cây lương thực khác. Việc dùng vật phẩm ngũ cốc dâng cúng thần linh ở đây là để tỏ lòng thành kính đối với các đấng siêu nhiên, thần phật đã ban mưa thuận gió hòa, mùa màng lợi lạc cho dân chúng. Một số lễ hội của người Việt hiện nay, như: Lễ hội chùa Hương, hội Xoan ở Tam Nông, Phú Thọ… vẫn còn dùng khoai mài để làm cỗ dâng cúng Thần Phật.
Đối với cá vược, từ xưa ngư dân vùng phá Tam Giang và sông Ô Lâu gọi là cá “ngài”, không ai dám ăn hoặc đánh bắt. Đôi khi cá vược nhảy lên thuyền, họ phải làm lễ cúng có thả cá giấy. Trước đây, để có cá vược cúng thần, ngư dân khu vực sông Ô Lâu phải làm lễ cúng thế cá giấy rồi đánh bắt đủ số 2 con mang đến dâng cúng thần. Khoảng 5 - 7 chục năm trước, một số ngư dân vùng phá Tam Giang đã vượt qua quan niệm “cá thần”, “cá ngài” để đánh bắt cá vược, thu được nguồn lợi lớn. Song lâu ngày, cá vược ở đây cũng trở nên hiếm dần. Hiện nay, người dân ở đây đã bắt đầu chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trong đó cá vược là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đền thần Y Na ở làng Trạch Phổ là một di tích lịch sử văn hóa, mang dấu ấn đoàn kết dân tộc Việt – Chăm từ khi người Việt tiếp quản hai châu Ô Lý. Xưa kia, đây từng là nơi tổ chức lễ “đảo vũ” cùng với lễ hội đua thuyền đầu xuân cầu cho “mưa thuận gió hòa”. Không chỉ người dân làng Trạch Phổ tổ chức cúng lễ, mà cư dân thủy diện trên sông Ô Lâu khi tổ chức lễ cầu ngư cũng đến dâng lễ ở đền thần Y Na. Những lễ vật dâng cúng truyền đời “cá vược, khoai mài” ở đền thờ này đã cho chúng ta hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa của cư dân vùng ven sông Ô Lâu, Thừa Thiên Huế.
Bài, ảnh: Nguyễn Thế
[1] Vô danh thị [Dương Văn An nhuận sắc tập thành, Bùi Lương phiên dịch] Ô châu cận lục, Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr. 69.