ClockThứ Hai, 11/04/2022 05:56

Chớm hạ

TTH - Chiều tối qua có cơn mưa bất chợt trở lại. Phố ướt át như kiểu dùng dằng không nỡ chuyển mùa. Thế mà buổi sáng bầu trời như có ai vẩy chiếc chổi lông quét sạch mây xám. Sương rất nhẹ, mơ hồ như hơi ấm bình minh làm chiếc áo lụa mong manh ấy tan cùng những gợn sóng sông Hương.

Hoàng thành soi bóngMùa đi ngang phố

Đã qua tiết thanh minh, phố xanh với những tàng cây màu lục non dịu dàng. Tôi sống đây bao năm mắt quen những lăng tẩm, đền đài, thuộc từng khúc quanh, ngôi nhà nào mới xây, cửa sổ nào sơn màu mới. Nhưng có những lần như buổi sớm mai đây đứng bên bờ ni ngó bình minh lên từ phía bên kia cầu, lòng dâng lên những cảm xúc khó tả. Như sau một đêm xao xác mất ngủ sáng bắt gặp ai đó đặt bên bệ cửa một bó hoa đồng nội thơm thơm...

Tôi đi bộ dưới hàng cột đèn nơi con dốc cầu Trường Tiền xuống đường Lê Lợi. Mỗi khi có bạn bè xa về, nhất định tôi sẽ đưa bạn ra bờ sông Hương, mặc nhiên thong thả dưới những tàng cây long não, cây muối có chừng hơn trăm tuổi trên con đường này. Nắng đổ tràn những vòm cây, rắc hoa trên vỉa hè. Chẳng kịp chờ cây phượng bên cầu Tràng Tiền thổi bùng những ngọn lửa nhỏ dưới nền trời xanh, đám ve đã rộn ràng cất tiếng. Tiếng ve đầu mùa réo gọi tuổi thơ và bao ký ức buồn vui trở lại. Mới biết một ngày một mùa hay một đời người cứ như bóng nắng. Lòng sông ban mai nước trong như mặt gương soi. Những vạt rong rêu ngả theo luồng nước nhẹ như một xao xác bơ vơ chợt thoảng.

Vài chiếc xích lô chở du khách ngang qua. Vòng quay xe rộn ràng sau hai năm dịch bệnh hoành hành. Phố đang mở cửa. Những nhà ga bến bãi, công ty du lịch, nhà hàng khách sạn đang háo hức mùa nắng mới.

Tôi sà xuống bên đường kêu một tô cơm hến. Này là hến từ nước sông Hương, rau thơm rau ngò miệt vườn Kim Long, đậu phụng vàng giòn nắng La Chữ, mắm ruốc Thuận An và bàn tay chị hàng thật duyên, thật khéo. Chỉ món ăn sáng dân dã trong hàng trăm món ăn mà người đi xa nghe kể đã muốn quay về. Bạn có thể ngồi một góc nào đó co ro trong những ngày mưa dầm da diết. Có thể đứng trên cầu hóng gió vừa ăn khoai nướng ngắm trăng mười bốn thả ánh bạc mặt sông. Nhưng thật khó nói cho hết cảm giác ngắm những bóng nắng màu mật sậm từ thân cây tán lá đổ xuống chén trà trên tay bạn. Một chút rộn ràng giữa bình yên thơm thảo. Bỗng thấy thương ngày, thương mình, thương chút thiết tha từng ai đó, thương những u mê chưa rời bỏ, những niềm vui và cơn đau mới hồn nhiên như ngày đợi, thương biết bao nhiêu!

Nắng đầu mùa! Ai đó reo lên khe khẽ khi những vệt vàng non chảy tràn ra thảm cỏ. Hai bờ sông Hương như một bức tranh hiện dần trên tấm toan khổng lồ dưới bàn tay họa sĩ tài hoa. Hàng trăm tác phẩm điêu khắc được các nghệ sĩ sáng tác với nguồn cảm hứng từ thành phố cổ kính và dòng sông thơ mộng đang tỏa sáng dưới nắng mai. Có bức tượng vượt cả ngàn cây số với ước nguyện của tác giả được về bên sông Hương, với Huế chỉ để “hứng một thoáng mù sương, một thoáng nắng chơi”.

Tôi bỗng nhớ một người, chừ đã quá xa xôi. Tranh anh vẽ Huế với màu trầm của rêu và gạch cũ. Một ngọn nến trong tranh chiếu sáng khoảng lặng vắng sâu của dòng sông vô vọng không thể qua thấu đến bờ kia làm người xem cứ muốn trào nước mắt.

Cơ chi còn duyên gặp lại bên bờ sông Hương trong nay mai. Nắng lành như cỏ. Nắng mới sẽ sưởi ấm những mảng màu của người quen cô độc, những người thường khóc trong bóng đêm. Chúng ta sẽ cười lớn với một ly cafe sáng thân thương giữa đám bạn bè. Và tôi sẽ vẽ bức tranh mới, sẽ có những mảng sơn dầu mướt vàng lung linh như lụa như mật ong đổ tràn trên màu xanh của sóng và những ngọn cỏ.

BẠCH DIỆP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế

Sông Hương như một “bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế. Dòng sông ấy đã mang trên mình sứ mệnh của lịch sử để ngày nay đang được bảo tồn và gìn giữ, điểm tô cho sự sang trọng của Huế. Và dòng sông ấy sẽ còn chảy tiếp theo dòng chảy của tương lai. Bảo tồn sông Hương do vậy, chính là bảo tồn “xương sống” đô thị Huế.

Sông Hương - “Bản giao hưởng” của quy hoạch đô thị Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Return to top