ClockThứ Bảy, 06/08/2016 14:15

Chuyện láng giềng

TTH - Đã luống tuổi, hai anh chị mới mua được miếng đất, dựng nhà. Ở được mấy năm thì gần đây, chị đánh tiếng bán. Cứ tưởng anh chị ăn nên làm ra, bán nhà mua cái mới rộng rãi hơn nên điện thoại hỏi thăm. Không ngờ chị thở dài bảo, là chuyện hàng xóm, láng giềng, rất gay go.

Chuyện bắt đầu từ mấy con gà nhà hàng xóm thả rông. Nhà sát nhau, anh chị vun vén trồng trước sân chậu hoa, bụi cải. Thoáng cái, đàn gà hàng xóm sang, phá tanh bành. Đến lần thứ hai thì chị sang nhà hàng xóm, phản ánh. Hàng xóm dạ dạ, vâng vâng, hứa sẽ canh gà cẩn thận. Nhưng chỉ được mấy hôm, khoảnh sân nhà chị lại bị gà bới tanh bành.

Anh chị bàn nhau nuôi con chó cho nó giữ nhà và đuổi gà. Được mấy hôm thì chó cắn chết mấy con gà con của hàng xóm. Hàng xóm phàn nàn, chị hứa sẽ xích chó lại. Con chó bị xích không quen, hết rên rỉ lại gầm gừ rồi kêu ăng ẳng. Hàng xóm ngủ trưa không được, lại thả ra.

Một buổi trưa, vừa đi làm về, hàng xóm đợi trước cổng, xối xả bảo con chó cắn chết cả đàn gà rồi. Chị chạy sang thì thấy chuồng gà tanh bành. Gà mẹ, gà con nằm lăn trên đất. “Được rồi, chị tính bao nhiêu tôi đền”, chị nặng giọng. ‘‘Chị nói nghe dễ quá. Mấy con gà mẹ sắp đẻ trứng. Bầy gà con mấy tháng nữa là to. Rồi nó lại đẻ trứng, nở ra con, lớn lên, đẻ trứng... Chị có đền được như thế không?’’, hàng xóm tru tréo. Không kìm được, chị vùng vằng bỏ về, đánh con chó một trận thừa sống, thiếu chết. Chị hàng xóm không nhịn, chạy ra ngõ la toáng lên.

Sau cuộc cãi vã ầm ĩ, hai nhà cùng nhau “tuyệt giao”. Chị bảo, cả ngày mệt mỏi với công việc, về nhà lại nặng nề. Đến con cái cũng “bị cấm” chơi với nhau. Mặc cảm cả với hàng xóm khác. Ngột ngạt quá. Hàng xóm mở mắt là thấy nhau, đi đâu cũng đụng nhau nên rất khó xử.

Câu chuyện của chị khiến tôi thấm thía hơn lời dạy của người xưa: Bán bà con xa, mua láng giềng gần. Hàng xóm là một phần quan trọng của cuộc sống nhưng chúng ta lại không thể chọn lựa. Nếu xử sự không khéo, không biết nhường nhịn, mối quan hệ ấy rất dễ tổn thương, sứt mẻ, dẫn đến to chuyện, dù đôi khi khởi điểm của xung đột lại bắt nguồn từ những điều rất vụn vặt.

Thu Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình nghĩa láng giềng

Mang tặng cho nhau một mớ rau, một trái khế, trái đu đủ trồng trong vườn nhà, hay một chén chè vừa được nấu xong... là “sợi dây” vô hình thắt chặt tình nghĩa láng giềng nơi chốn đô thị.

Tình nghĩa láng giềng
Nghĩa xóm

Trong khoảng hơn 5 năm sống tại nhà chồng ở Huế, tôi nhiều lần xúc động trước những mỹ tục thấm đẫm tình làng nghĩa xóm nơi đây.

Nghĩa xóm
Khi ta thành thật sống…

Xế trưa, sau trận mưa lớn kéo dài cả giờ đồng hồ, tôi trở về nhà và muốn bật khóc khi thấy toàn bộ số áo quần mang phơi từ sáng vẫn… ở nguyên ngoài trời. Dây đồ ướt sũng nằm trơ trọi bên ngoài, cách những cánh cửa đóng kín chỉ mấy bước chân. Khu tập thể nhà nối nhà sát rạt, từ ngày chuyển đến đây ở, hễ có mưa là tôi tri hô mọi người và chạy đồ giúp. Có nhà đi vắng cách nhà mình vài chục mét, tôi không ngại đội mưa giúp họ. Vậy mà…, sao họ vô tâm đến vậy?

Khi ta thành thật sống…
Bên hàng rào xanh

Bữa nọ, một người bạn facebook đăng bức ảnh những trái duối bé tròn bằng đầu ngón tay út chín vàng kèm lời khẳng định: “Dân quê thế hệ 8-9x trở về trước, ít ai không biết vị ngon huyền thoại này”. Ôi, trái duối thơm hương ký ức, gợi nhớ ngôi nhà xưa mấy mươi năm trước. Ngôi nhà có hàng rào làm bức tường phân chia địa giới, là đôi ba cây duối già cành lá lòa xòa và rặng râm bụt xanh mọng điểm xuyết những nụ hoa đỏ rói.

Bên hàng rào xanh
Lộn nghề

Chẳng đau chẳng ốm, buổi chiều vẫn còn ăn uống bình thường, nhưng đến đêm, bỗng nghe tiếng thở của mẹ có vẻ khác lạ.

Lộn nghề
Return to top