Những cây duối đã ở đó nhiều năm, trước khi tôi được sinh ra. Mẹ nói bà đã thấy chúng từ thuở nhỏ. Sau này, khi về làm dâu nhà nội, được ở trong căn nhà gia tiên tiền tổ mà tường bao giữ đất vẫn chỉ là những cây duối già và hàng râm bụt bời bời xanh. Rồi cha mẹ chuyển ra ở riêng, để lại căn nhà cho chú út. Mãi nhiều năm sau khi làng quê đổi mới, hàng rào cây ấy mới không còn.
Tôi nhớ ngày mới chừng sáu, bảy tuổi, cha mẹ đi đồng tôi ở nhà trông em. Nghe tiếng máy bay ngang qua, vội bế em rúc vào gốc cây duối núp. Mỗi khi em khóc, dỗ em bằng những quả duối chín vàng ươm. Dưới gốc cây duối, đám bạn cùng trang lứa quanh xóm suốt ngày quẩn quanh ngửa cổ tìm quả chín. Ngày ấy, khi ươm những cành râm bụt xuống đất, bố tôi lý giải rằng loài cây này dễ chăm, mọc thẳng, lại có hoa đẹp trang trí và nó có thể trị mụn nhọt nữa. Râm bụt cứ bám rễ vào đất là mọc đều tăm tắp, cành nhánh ngát xanh. Tôi thích thú theo dõi quá trình bông bụt nở, từ khi thấy hoa nhú nụ nhỏ bằng đầu đũa. Màu hoa đỏ thắm như điểm trang cho “bức tường” xanh thêm thi vị, đẹp dung dị mà không kém phần quyến rũ.
Nhiều khi nhà với nhà cổng ngõ chẳng xa xôi, nhưng trẻ con chỉ thích “xé rào”, vạch đám cây ra và chui tọt qua để gặp nhau. Lâu dần, những cành râm bụt bị vạch cong vòng thành khoảng trống như hình cái kén. Thỉnh thoảng có công chuyện gì gấp, các mẹ cũng vô tư chui rào như trẻ nít. Sợ côn trùng, sâu bọ ẩn trong hàng rào um tùm gây hại đến con cái, nên các cha mẹ thường hù dọa rằng trên cây duối có ông Ba Bị hay bắt trẻ con. Nghe lời dọa dẫm, đám trẻ “thần hồn nát thần tính”, thế nên mới có chuyện cười bể bụng. Hôm ấy đi chơi về khuya, em trai tôi thấy thứ gì lấp lánh “rúc” trong hàng rào, nó thất thần hét toáng và nhận định đó là rắn hổ mang. Mọi người lật đật tìm gậy gộc, cuốc, xẻng, bố trí lực lượng sẵn sàng đánh rắn. Sau một hồi rình rập thì hóa ra, con rắn hổ mang ấy chỉ là một tấm phim chụp X-Quang ai đó vô ý quăng vào hàng rào mà thôi.
Bên hàng rào xanh ấy, là tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Chỉ cần trông qua hàng rào là có thể giúp nhau coi sóc nhà cửa, để ý khi có người lạ vào nhà, đuổi đàn gà vào rỉa vườn rau, hay mang cất hộ chiếc chiếu, mảnh chăn đang phơi ngoài sân nếu gặp mưa… Ở đó là sự sẻ chia qua lại, khi thì củ hành, bơ gạo, thìa mỡ; lúc lại cái bơm, cái quạt, san sớt bát canh hến, mớ cua đồng, mời nhau bát nước chè tươi, cùng ăn mớ ổi, miếng mít… Rặng râm bụt cao chỉ ngang bụng, ngang ngực người lớn, nên chỉ cần đứng bên này mà với tay sang bên kia chứ chẳng cầu kỳ chuyện trao và nhận. Lớn tiếng gọi qua hàng rào, các mẹ rủ nhau cùng ra chợ, đi thăm đồng, rỉ rả bao chuyện bán mua, chuyện trồng rau màu, chăm lợn gà…
Nhiều năm trôi đi, đường làng, ngõ nhỏ vẫn là lối cũ thân quen nay đã được bê tông hóa sạch đẹp. Nhà nhà xây tường gạch kiên cố cao 2 - 3m bao quanh đất nhà mình. Hai nhà vẫn kề cạnh nhau đấy, nhưng giờ qua lại phải đi đúng cửa. Con người ngày càng ưa thích sự riêng tư, nên giao tiếp cũng trở nên ý nhị, khách sáo với nhau hơn. Hàng cây ngăn chia địa giới ấy, suy cho cùng chỉ mang tính hình thức, bởi chẳng dễ gây sát thương hay làm khó ai nếu muốn vượt rào. Nhưng nó là nét quê thanh bình, thậm chí là một phần hồn cốt, là văn hóa làng xã của một thời kỳ. Và hàng rào có rặng râm bụt nở hoa, có trái duối vàng ngọt thuở nào, mãi là khoảng trời mơ mộng, yên vui thời thơ dại mà tôi luôn nhớ.
Mai Đình