ClockChủ Nhật, 07/11/2021 20:52

Cổ vật hồi hương và cổ vật trong kho

Mua cổ vật để làm giàu thêm tài sản văn hóa

Một chiếc mũ quan thời Nguyễn vừa được mua đấu giá với 600.000 euro, tương đương 16 tỷ đồng, tại cuộc đấu giá hôm 28/10 ở Tây Ban Nha. Một cái giá cao ngất ngưỡng đến mức giới nghiên cứu và sưu tầm cổ vật ở Việt Nam không tưởng tượng nổi. Nhiều người thở dài vì thêm lần nữa cổ vật Việt Nam lại không thể hồi hương. Nhiều người tiếc nuối vì không đưa được cổ vật về lại Huế, nơi mà hiện vật đó đã rời đi. Nhưng có một quan điểm ngược lại được đưa ra, gây bất ngờ.

​“Ước gì chiếc mũ đấu giá cực cao vừa rồi và nhiều cổ vật Việt khác nữa, được người nước ngoài trúng đấu giá, vào tay những bảo tàng, những nhà sưu tầm càng nổi tiếng càng tốt”. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu, chuyên gia cổ vật Trần Đình Sơn. Ông Sơn cho rằng cổ vật Việt, trừ những hiện vật lịch sử - văn hóa quan trọng, có giá trị rất cao, thì cần phải tìm mọi cách đưa về lại Việt Nam; số còn lại, cứ để cho người các nước mua bán, sưu tầm với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách làm tăng giá trị cổ vật cũng như văn hóa Việt Nam trên thế giới. Vào tay nhà sưu tập chuyên nghiệp, các bảo tàng lớn, đó cũng là cách lưu giữ rất tốt cổ vật Việt Nam. Nó nằm ở đâu thì cũng là sản phẩm “made in Việt Nam”.

​Mặc khác, theo chuyên gia Trần Đình Sơn, chiếc mũ quan này cũng quý nhưng không phải là hiện vật quan trọng lắm. Nó chỉ là chiếc mũ quan, và không rõ là của ông quan nào. Cũng có thể, nó là của quan tây hoặc sứ thần được vua ban tặng phẩm phục. Giá cả lại mắc như vậy thì không cần thiết phải hồi hương.

​Nhưng điều thứ hai trong ý kiến ông Sơn đưa ra mới đáng quan tâm. Theo ông Sơn, chúng ta đang có nhiều cổ vật quý hiếm vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho, vì chưa xây được một bảo tàng trưng bày bài bản. “Như thế, tốn nhiều tiền để mua món đồ quý về, trong khi nhiều đồ quý trong kho vẫn nằm im lìm, thì hồi hương thêm nữa mà làm gì?”.

Câu hỏi của ông Sơn khiến nhiều người giật mình nhìn lại. Quả thật, chúng ta đang có hàng ngàn hiện vật quý vẫn đang nằm trong kho của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Sau khi di dời khỏi Quốc tử giám, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử vẫn còn nằm trong kho, và chưa biết bao giờ mới trưng bày trở lại. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được thành lập năm 2018, tranh tượng mua của họa sĩ chất đầy kho, nhưng đến nay vẫn chưa biết trưng bày ở đâu. Hàng ngàn hiện vật văn hóa Chămpa và nhiều hiện vật văn hóa Huế đã được Nhà bảo tàng Huế sưu tầm từ 40 năm trước, giờ không biết đang ở đâu, sau khi Bảo tàng Văn hóa Huế trở thành một bộ phận của Trung tâm Văn hóa - Thông tin... Nếu cứ nằm mãi trong kho, với thời tiết khắc nghiệt của Huế, lại không đủ điều kiện bảo quản, thì nguy cơ hư hỏng hiện vật rất cao, chưa nói đến nguy cơ mất mát. 

​“Đưa cổ vật hồi hương, mà để nằm trong nhà kho tồi tàn, không đảm bảo việc bảo quản, không đưa ra trưng bày quảng bá, thì càng không nên hồi hương”, ông Sơn nói.

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa

Hãng tin UN News ngày 7/12 cập nhật, được hơn 140 quốc gia ủng hộ, trong phiên họp mới nhất diễn ra vào ngày 6/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống buôn bán trái phép tài sản, hiện vật văn hóa và tạo điều kiện trả lại các hiện vật bị đánh cắp cho quốc gia xuất xứ.

Thúc đẩy cuộc chiến toàn cầu chống nạn buôn bán trái phép hiện vật văn hóa
“Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn”

Hưởng ứng Festival mùa thu Huế 2024 và nhân Lễ Vu lan năm Giáp Thìn, Bảo tàng Đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn tại số 114 đường Mai Thúc Loan, TP. Huế tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn” vào sáng 15/8.

“Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn”
Chờ cổ vật “tụ hội” ở Huế

Ngày 22/6 này, hơn 150 hiện vật thuộc các bộ sưu tập của 29 nhà sưu tầm cổ vật Bắc – Trung – Nam sẽ tụ hội về Triển lãm “Cổ vật hội tụ” diễn ra tại điện Kiến Trung (Đại Nội Huế).

Chờ cổ vật “tụ hội” ở Huế
Return to top