Điều này rõ ràng là không công bằng so với lượt/lượng thông tin mà người ta ầm ào chia sẻ, bàn tán… trước đó khi bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - livestream “kể tội” ông Võ Hoàng Yên (và cả những người khác nữa mà chúng tôi không đề cập trong khuôn khổ góc nhìn này). Chúng tôi lấy ví dụ của việc không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác ở trên chỉ để nói rằng, sự không công bằng này cũng thể hiện một trạng thái khác. Đó là người ta rất dễ nổi giận và thể hiện ngay thái độ trước một vấn đề có tính tiêu cực nào đó trên mạng xã hội. Đương nhiên là rất nhiều thông tin trên nền tảng này chưa được kiểm chứng, hoặc mới chỉ là một phần của vấn đề, thậm chí chưa phải là một nửa của sự thật, cho dù một nửa của sự thật không phải là sự thật.
Ở đây, chúng tôi cũng không đề cập đến người tố giác và đối tượng bị tố giác ở trên vì chưa hiểu hết mối quan hệ mang tính dân sự giữa họ. Nhưng việc like, share và comment (thích, chia sẻ và bình luận) thể hiện thái độ khi các vấn đề chưa ngã ngũ, hoặc mới chỉ là thông tin một chiều hay chưa được cơ quan chức năng kết luận, phản hồi… tưởng chừng như chỉ là một hành vi thiếu trách nhiệm của người tham gia mạng xã hội. Không ít chuyên gia cũng đã đề cập đến hiệu ứng dây chuyền ở đám đông, nhưng điều này không chỉ là hành vi cho “đã nư” - phương ngữ, trong hoàn cảnh này chỉ sự hả dạ, đã giận - mà ở phương diện khác là gây nên bạo hành tinh thần của những người/đối tượng phải hứng chịu búa rìu của dư luận. Hứng chịu, ngay cả khi bản thân họ không hiểu đã xảy ra chuyện gì, bị đơm đặt ở mức độ nào. Hứng chịu, ngay cả khi họ im lặng trước cơn bão và áp lực của búa rìu dư luận xã hội.
Nhưng đâu phải cứ like, share, comment cho “đã cơn nư” của các tay gõ phím rồi là xong. Chia sẻ về điều này, Thượng tá, TS. Nguyễn Văn Niên, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho hay, các hiện tượng trên mạng xã hội như livestream, viết, đưa ảnh lên mạng xã hội và kể cả bình luận các nội dung đó đều là các hành vi xã hội của các chủ thể nơi công cộng. Các chủ thể phải có trách nhiệm với hành vi của mình tại nơi công cộng và phải chịu trách nhiệm khi hành vi đó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác. Giới hạn của các hành vi mà chúng tôi đề cập ở trên đã được thể hiện rất rõ ở Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản khác.
Hiểu một cách khác, chỉ vì theo hiệu ứng đám đông, chỉ vì muốn dùng chữ nghĩa để cho “đã nư” với động cơ không lành mạnh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, làm nhục người khác, với những tình tiết tăng nặng mà mức cao nhất, có thể bị phạt từ 3-7 năm tù.
Nhân gian hay nói về “vạ miệng” và “vạ phím” chính là một biến thể của thời công nghệ. Thế nên, trước khi gõ một điều gì, hãy nghĩ về trách nhiệm và hành vi ứng xử của mình trước xã hội. Đó còn là sự thể hiện trình độ văn hóa ở mỗi người…
NGUYỄN AN NHIÊN