|
Hoa giấy Thanh Tiên vào hội ngày xuân |
Cách đây gần 20 năm, tôi đến A Lưới công tác và ghé thăm người bạn đồng môn đại học. Bạn sống trong căn phòng tập thể rộng khoảng 20m2. Cuộc sống khó khăn của một giáo viên miền xuôi tình nguyện lên vùng cao dạy học cũng là chuyện thường, nhưng “bất thường” là tất cả đồng lương bạn ấy có đều “đổ” vào việc sưu tập, sưu tầm các đồ vật, đồ dùng, mẫu vật, kỷ vật trong đời sống hằng ngày, đời sống tâm linh của bà con vùng cao A Lưới.
Tôi và bạn ngồi uống nước trò chuyện trên chiếc giường đơn đủ một người nằm. Căn phòng nhỏ lại bao phủ bởi cả nghìn đồ vật, mẫu vật với nhiều chủ đề khác nhau, khiến không gian tù mù vì thiếu sáng. Trò chuyện một hồi, anh bạn xin phép đứng dậy đi thắp nhang. Nhìn quanh chả thấy bàn thờ, hóa ra anh thắp hương ở hai bức tượng người bằng gỗ vốn dựng đứng ở hai bên cửa đi vào phòng, nằm sát chiếc giường ngủ, mặt hướng ra ngoài. Đó là hai bức nhân tượng cồn mồ, được nghệ nhân vùng cao tạc trên thân gỗ, thường được đồng bào đặt ở trước những khu nhà mồ, anh bạn sưu tập rồi mang về “chưng”.
Sau khi thắp hương, bạn đi về gian bếp nấu cơm tối. Chiếc giường với gian bếp khuất nhau bởi vô số đồ sưu tập “âm, dương”, nên tôi dường như chỉ ngồi một mình “đối thoại” với hai nhân tượng nhà mồ trong ánh đèn lờ nhờ và nghi ngút khói hương. Đến khi tấm thân của tôi có dấu hiệu vã mồ hôi thì bạn cũng trở lại với mâm cơm đạm bạc. Thấy tôi có vẻ biến sắc, bạn tôi động viên: “Ngồi hơi tối rứa bạn có sợ không? Mình ở đây quen rồi. Mình còn nhiều thứ “kinh” lắm. À, mình có chiếc quan tài độc mộc, cũng là của hiếm. Đi xem không? Cuối tuần ni mình mang nó về nhà ba mạ dưới đồng bằng cất giữ, trên này chật chỗ rồi”. Tôi vờ viện lý do bâng quơ để nói hôm khác đi xem… quan tài, rồi dùng với bạn bữa cơm thanh đạm giữa không gian nhỏ hẹp mà vô cùng ma mị, huyền bí.
“Thú chơi” của một người, nhất là người ấy cá tính mạnh, phong cách khác người, thậm chí rất “quái” là lẽ thường. Câu chuyện của chàng kiến trúc sư Arnaud Zein El Din, vị du khách người Mexico đến Hà Nội, Việt Nam du lịch cách đây ít tuần, đã rời Việt Nam và để lại câu chuyện làm nóng không gian mạng, là một ví dụ.
Sau 3 tuần lưu lại Thủ đô Việt Nam tham quan, anh đã sở hữu bộ sưu tập với rất nhiều kỷ vật, đồ dùng rất bình thường với người Việt Nam, nhưng hết sức thú vị với người nước ngoài như anh. Bộ sưu tập mà anh ấy mang về đất nước mình là mấy chiếc chiếu, cái lừ đơm cá, chiếc mũ cối, lá cờ Tổ quốc Việt Nam, ống điếu cày, cái chổi quét nhà làm bằng cọng dừa, kể cả một ít gạo của người Việt… Đặc biệt vật phẩm đã khiến vị du khách trở nên nổi tiếng, “dậy sóng” trên diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam là con ngựa giấy vàng mã mà Arnaud Zein El Din đã mua từ Hà Nội.
Rõ ràng con ngựa giấy thủ công ấy nói riêng và rất nhiều đồ vật khác tưởng đỗi bình thường của người Việt Nam, lại có một sức cuốn hút đặc biệt với Arnaud Zein El Din.
Mang câu chuyện của vị du khách người Mexico nói trên, tôi tham vấn quan điểm từ một học giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông ấy cười và kể rằng, có lần ông đến nhà một người bạn ở Hoa Kỳ chơi. Trong ngôi nhà người bạn ấy có treo một đồ vật khiến ông giật mình, bởi nó rất lạ ở văn hóa Âu, Mỹ. Đó là bức liễn đã rất cũ kèm dòng chữ Hán “Vãng Sanh Cực Lạc”. Ông hỏi người bạn về “nguồn cơn” tấm liễn, thì người bạn người Mỹ nói ông ấy đã sưu tập ở Việt Nam, mang về Mỹ rất lâu lắm rồi. Ông ấy chỉ biết đồ vật ấy có liên quan đến người đã chết, nhưng không hiểu dòng chữ Hán ấy nghĩa là gì. “Quan trọng là ông ấy thích nó, thấy lạ nên cứ mang từ Việt Nam về theo trong nhà nhiều năm qua”, nhà nghiên cứu không muốn nêu tên, chia sẻ.
Hàng chục năm trước không mấy ai nghĩ rằng có một ngày, cành hoa giấy Thanh Tiên ở phường Phú Mậu (TP. Huế) trở thành vật trang trí nghệ thuật, làm đẹp cho ngôi nhà, không gian sinh hoạt. Hoa giấy Thanh Tiên vốn dùng trong thờ cúng, bài trí ở am miếu, trang thờ Trang Bà (Trang Ông) của người miền Trung, nay thành hoa giấy nghệ thuật “nở rộ” vào dịp tết. Người đi bán, đi mua hoa giấy Thanh Tiên về chưng trong nhà như đi trẩy hội mỗi dịp xuân về, tết đến. Thậm chí, hoa giấy Thanh Tiên còn được một doanh nhân trẻ ở TP. Huế thổi hồn, biến tấu và nâng tầm trở thành dòng hoa giấy nghệ thuật đầy thăng hoa, trở thành tặng phẩm, quà lưu niệm được khách hàng trong và ngoài nước tiếp nhận.
Từ chức năng thờ cúng, tâm linh, một số dòng sản phẩm thủ công truyền thống có thể biến tấu, cách điệu để trở thành một tặng phẩm văn hóa, sản phẩm phục vụ du lịch là điều ngành chức trách, cơ sở nghề, các địa phương có thế mạnh cần nghĩ đến. Du khách không chỉ được trải nghiệm “cùng học, cùng làm” với nghệ nhân, mua sản phẩm… mà còn được nghe những câu chuyện văn hóa đầy thú vị chung quanh sản phẩm, vật phẩm ấy. Những giá trị văn hóa cổ truyền, giá trị thương mại song hành tồn tại làm nên sức sống của sản phẩm, làng nghề, sự thú vị của văn hóa, tập quán của các vùng miền trên thế giới. Những giá trị ấy cần được nâng niu, gói ghém và lan tỏa qua cách kể chuyện, biết kể chuyện từ người sản xuất, người hướng dẫn, đến người thụ hưởng.
Dường như có sợi dây vô hình nào đó nối các vùng miền, từ Mexico đến Mỹ, đến vùng cao A Lưới, Thừa Thiên Huế và còn nhiều nơi khác nữa trên thế giới, qua những câu chuyện cá nhân có vẻ như rời rạc trong cuộc sống. Và có lẽ "sợi dây" ấy chính là điều như Arnaud Zein El Din đã từng thổ lộ: “Thế giới có rất nhiều truyền thống và cách thực hành văn hóa tuyệt vời. Tôi muốn tạo ra một bộ sưu tập gồm tất cả các yếu tố thực hành này, tất cả đều từ cùng một hành tinh và tất cả đều khác nhau một chút. Nó đối chọi với xu hướng toàn cầu hóa để đánh đồng văn hóa”.