ClockThứ Bảy, 01/07/2017 05:51

Đọc sách ngày hè cùng con

TTH - Bên cạnh nhiều hoạt động giải trí được các bậc phụ huynh thiết kế riêng cho con em mình ngày hè, chọn lựa và đọc sách là một trong những ưu tiên.

Chọn sách cùng con trong một ngày hội giảm giá sách

Cùng con chọn sách

Kỳ nghỉ hè chưa đến, nhưng chị Nguyễn Hoài Trâm (TP. Huế) đã lùng sục nhiều nhà sách để chọn sách cho hai con đang ở tuổi tiểu học.

“Đọc sách giúp trẻ con có trí tưởng tượng bay bổng, có sự đồng cảm từ những trang sách nhân văn khiến con sống nhân hậu, biết giúp đỡ bạn bè, người thân trong gia đình. Đó là những lợi ích thiết thực mà những cuốn sách mang lại”, chị Trâm chia sẻ. Có thể kể đến một số tựa sách chị Trâm chọn cho con mình, như: Nàng Bạch tuyết và bảy chú lùn, Cô bé tí hon, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ… Ngoài ra, một số truyện tranh kích thích trí khám phá, tò mò cũng được đưa vào giỏ sách của chị.

Chị Hồng Gấm (thị xã Hương Trà) làm việc trong ngành giáo dục nên việc chọn sách cho con khá "cầu kỳ". Chị lùng sục trên các trang mạng, đến các nhà sách rồi nhờ những người bạn ở tận TP. Hồ Chí Minh đặt, tìm giúp. Và rồi, cuốn sách khiến chị ưng ý nhất mùa hè này đó là "Những ngôi sao trên bầu trời thành phố" của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai bởi lối văn nhẹ nhàng, chuyển tải được câu chuyện thú vị về một vùng quê yêu dấu, có xóm làng, tình thân và những kỷ niệm để đọc cùng con. Theo chị Gấm, chưa khi nào thị trường sách phong phú như hiện nay, với hàng trăm tựa sách ra đời trong mỗi mùa hè, đáp ứng đủ cho mọi lứa tuổi khác nhau. “Hãy lắng nghe con mình. Và hãy đọc cùng con mình, để hiểu được trẻ đang nghĩ gì qua những trang sách”, chị Gấm chia sẻ về cách đọc sách của mình cùng con ngày hè.

Truyền cảm hứng đọc cho con ngay từ nhỏ

Theo nhiều phụ huynh, việc tìm sách và đọc sách cùng con từ lúc còn nhỏ là việc làm cần thiết trong thời buổi công nghệ số bùng nổ, lấn áp văn hóa đọc hiện nay. Đọc sách không những giải trí mà cung cấp tri thức, rèn luyện nhân cách, giúp trẻ hoàn thiện bản thân.

Anh Nguyễn Trường Cửu (Phú Vang) thường hướng cho con đọc những loại sách phù hợp với lứa tuổi. “Quan trọng hơn hết, hãy tranh thủ đọc cùng con, dần dần truyền cảm hứng, tạo thành thói quen”, anh Cửu nói. Cũng theo anh Cửu, việc phụ huynh đọc sách cùng con là cách để “thẩm định” nội dung của sách và có những hướng dẫn đúng cho con các thể loại sách nên đọc. Nhờ cách làm này mà con trai Nguyễn Thái Hưng chuẩn bị vào lớp 5 của anh đã dần hình thành thói quen đọc sách vào các giờ cố định trong ngày.

Đa số phụ huynh có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chọn, đọc sách cùng con có chung quan điểm không nên nôn nóng, khắt khe, thay vào đó cần tôn trọng sự cảm thụ riêng của con. Theo nhiều phụ huynh, mỗi thế hệ có cách tiếp xúc sách khác nhau, có quan niệm chỉ cần cho con trẻ tiếp xúc với sách để trẻ sớm yêu sách là đủ. Ngoài ra, thường xuyên đưa con đi nhà sách, để con lựa những cuốn sách mà con thích và đừng quên quan tâm bằng cách hỏi lí do thích, rồi gợi ý để mình đọc cùng. Đọc sách lúc này không chỉ đơn giản là tạo thói quen hành vi, mà còn tạo dựng được một hình ảnh yêu thương, một tình cảm bền lâu trong tâm hồn con cái.

Nhà thơ Đông Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn tỉnh kể, chị thường cùng đọc sách với con, từ truyện cổ tích cho đến những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn, hoặc các truyện kinh điển dành cho thiếu nhi của văn học nước ngoài, như: Túp lều bác Tom, Trên sa mạc trong rừng thẳm, Những đứa trẻ đường tàu... Thông thường, trong năm học, cả nhà cùng đọc những cuốn sách mỏng, dễ đọc và đỡ mất thời gian hơn. Còn dịp hè, có thể chọn đọc những cuốn dày hơn.

Chị chia sẻ câu chuyện từng chọn sách nhưng vấp phải phản ứng từ con mình vì những cuốn đó nhiều chữ quá, thay vào đó, con thích truyện tranh và chị chấp nhận đọc chung. “Thời gian sau tôi giả vờ giới thiệu cho chúng "à mẹ có cuốn này cũng có phép thần...", thế là chúng tò mò. Tôi đưa đọc thử. Dần, chúng chấp nhận. Tuy nhiên, tôi không ép. Bởi đây là sở thích, nếu ép nó sẽ chán và từ bỏ thói quen ngay. Nên đến giờ, hai đứa lớn nhà tôi đã mê đọc truyện chữ hơn truyện tranh, trong khi đứa bé vẫn mê truyện tranh. Tôi vẫn đang chấp nhận điều đó, vẫn theo suốt quá trình đọc để hướng con vào những cuốn sách mà tôi mong con mình đọc. Tất nhiên, để truyền được cảm hứng và giữ được thói quen cho con, không còn cách nào tốt hơn là mình cũng ham đọc sách và giữ thói quen đọc sách”, nhà thơ Đông Hà khẳng định.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng

Tự truyện “Mạ tui” của Nguyễn Viết An Hòa được NXB Thuận Hóa in từ năm 2018, đã được “nối bản” nhiều ngàn cuốn, mặc dù theo quan niệm thông thường, tác giả là người không/chưa nổi tiếng. Hơn chục năm trước, trong một cuốn sách đã in, tôi nêu vấn đề “Tự truyện không chỉ dành cho người nổi tiếng”.

Đọc lại “Mạ tui” - Nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng
Có đồng thuận, có thành quả

Sự đồng thuận đó, chắc chắn không phải tự dưng mà có, mà là thành quả của sự nỗ lực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” của những người làm công tác dân vận.

Có đồng thuận, có thành quả
Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1: Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm

4 năm ra đời, đề án Tủ sách Huế đến nay chỉ có 11 ấn phẩm, một con số rất khiêm tốn. Nhưng buồn hơn khi những ấn phẩm ấy chỉ dừng lại với số lượng in giới hạn và “đeo gông” sách không bán, khiến nhiều người khó tiếp cận. Phía những người thực hiện Tủ sách Huế cho rằng nguyên do dẫn đến điều đó là ngân sách hạn chế, nhưng nhiều ý kiến khác nhận định đó là sự thụt lùi, thậm chí đi ngược lại chủ trương lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế cũng như văn hóa đọc trong đời sống hiện nay. Vì thế, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Tủ sách Huế đang phải đối mặt.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế qua Tủ sách Huế, tưởng dễ mà khó - Kỳ 1 Khiêm tốn số lượng, nặng tính hàn lâm
Return to top