|
Một buổi ra mắt ấn phẩm nằm trong đề án Tủ Sách Huế tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế |
Một ngày cuối tháng 8/2024 trước giờ diễn ra buổi tọa đàm về hành trình phát triển Tủ sách Huế, trên facebook của một vị lãnh đạo ngành văn hóa đăng thông tin cảnh báo với mọi người về việc ấn phẩm của Tủ sách Huế cũng như nhiều cuốn sách khác về Huế bị làm giả và bán công khai trên mạng xã hội.
Nhiều người không khỏi chạnh lòng, nhưng cũng có ý kiến đặt câu hỏi vì đâu lại xảy ra tình trạng đó. Phải chăng việc không được in với số lượng lớn và phát hành rộng rãi ra thị trường cũng là một trong những nguyên nhân?
Ấn phẩm Tủ sách Huế bị làm giả
Năm 2021, đề án Tủ sách Huế chính thức ra đời và được công chúng đón nhận bởi mục tiêu đề ra vô cùng ý nghĩa và hấp dẫn. Đề án hướng đến giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng ý nghĩa của vùng đất Cố đô. Không dừng lại đó, những ấn phẩm này còn được xem là cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Huế ở nhiều lĩnh vực.
Được biết, đề án Tủ sách Huế đến thời điểm này giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cùng phối hợp thực hiện. Sau 4 năm kể từ ngày công bố đề án và cho ra mắt ấn phẩm đầu tiên “Địa chí Thừa Thiên Huế”, Tủ sách Huế hiện có vỏn vẹn 11 ấn phẩm. Hầu hết những ấn phẩm ấy mang nặng tính nghiên cứu, học thuật. Tiền in sách cũng từ ngân sách nhà nước nên số lượng in lại bị giới hạn, dao động từ 500 – 1.000 bản/ ấn phẩm. Ngoài để làm quà, những ấn phẩm này đã được gửi về một số thư viện, Tủ sách công cộng… Và điều khiến nhiều người băn khoăn rằng, tại sao muốn lan tỏa nhưng những ấn phẩm này lại không bán ra thị trường.
|
Ra đời 4 năm nhưng đề án Tủ sách Huế đến thời điểm này chỉ có 11 ấn phẩm và hầu hết trong số đó nặng tính hàn lâm, nghiên cứu |
Nhiều người cho rằng, không riêng số lượng ấn phẩm mà ngay cả số lượng in như thế khá khiêm tốn, nếu không nói là quá ít ỏi. “Điều mà tôi và nhiều người khác băn khoăn là tại sao những cuốn sách nằm trong đề án Tủ sách Huế lại dán nhãn “không bán”. Tôi đã từng dự một số buổi ra mắt các ấn phẩm nằm trong đề án Tủ sách Huế và muốn mua nhưng đành chịu. Vậy sao gọi là lan tỏa, sao gọi là quảng bá giá trị văn hóa Huế từ sách. Nên chăng cần phải xem lại vấn đề này”, anh Nguyễn Tuấn (TP. Huế) chia sẻ.
Và dù là sách không bán, nhưng ấn phẩm nằm trong Tủ sách Huế đã bị làm giả và bày bán công khai trên mạng. Theo vị lãnh đạo ngành văn hóa, đây là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng, bị pháp luật nghiêm cấm, có chế tài nghiêm khắc và khuyến nghị mọi người hết sức cẩn thận để tránh bị lừa. Trường hợp phát hiện nên báo về cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Con số khiêm tốn so với mục tiêu đề ra
Một chuyên gia về giáo dục nhận định ý tưởng Tủ sách Huế là một trong rất nhiều ý tưởng vô cùng hay của Huế. Điều này cho thấy cái nhìn đi trước thời cuộc, đi trước thời đại. Nhưng vấn đề là làm sao để biến ý tưởng đó thành hiện thực, thật sự lan tỏa và thật sự thành công thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. “Tôi băn khoăn Tủ sách chỉ là cái kệ để đựng sách mà thôi. Làm sao để những cuốn sách trong Tủ sách ấy phải đến tay bạn đọc, phải đi vào đời sống một cách thật sự thì đề án này mới thành công”, vị này nói.
Từng dự nhiều buổi trò chuyện, tọa đàm liên quan đến Tủ sách Huế, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam nhìn nhận, Huế là một trong những địa phương đi đầu cả nước, trong đó lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển sách liên quan đến văn hóa, lịch sử địa phương. Ở góc nhìn của người làm công tác xuất bản, bà Phượng bảo rằng đó là chính sách vô cùng đúng và khả thi nếu như biết cách triển khai một cách hiệu quả. “Quan trọng vẫn là cơ chế thuận lợi, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên triển khai”, bà Phượng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế nói rằng, Tủ sách Huế cần duy trì những ấn phẩm hàn lâm như hiện tại. Nhưng dừng lại đó là chưa đủ, mà cần phải làm mới những cuốn sách với nhiều cấp độ kiến thức khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc hơn.
Cùng với những cuốn sách mang tính học thuật, nghiên cứu, Tủ sách Huế cần khởi xướng, kết nối cho những người viết mới vào đề án để đưa ra thị trường những cuốn sách viết về Huế khác đi vào đại chúng một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế thừa nhận Tủ sách Huế chưa lan tỏa. Ông Hiển cho rằng, kể từ khi ra đời, Tủ sách Huế chỉ mới dừng lại ở các hoạt động trong ngày sách hàng năm, như trao tặng “Tủ sách Huế” cho hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh, thực hiện không gian trưng bày, triển lãm các xuất bản phẩm thuộc Tủ sách Huế và sách về Huế. “Tủ sách Huế vẫn chưa thực sự lan tỏa và chưa được xã hội hóa một cách mạnh mẽ trong khi nguồn kinh phí cho hoạt động phát triển Tủ sách Huế vẫn còn rất hạn chế”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, trước những khó khăn, thách thức đó thì Tủ sách Huế cần có hướng đi mới, không chỉ gói gọn theo kiểu truyền thống, mà cần chủ động áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới theo mô hình hiện đại. Trong đó, cần tính toán đến việc đưa Tủ sách Huế vào không gian sách và trải nghiệm văn hóa đọc tại các siêu thị, các trung tâm du lịch - văn hóa có uy tín, có thương hiệu lớn; từng bước nghiên cứu xuất bản điện tử và phát hành điện tử. Và để làm được việc này, cần phải có sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ đơn vị phát hành.
“Cần đổi mới để có cách tiếp cận công chúng, thị trường cho Tủ sách Huế phát triển. Không chỉ bó gọn trong phạm vi của địa bàn tỉnh mà cần nghĩ và tính đến phát hành trong các bảo tàng tư nhân, doanh nghiệp lữ hành, nhà ga, sân bay… Ngoài ra, cần tính đến liên doanh, liên kết các nhà xuất bản, phát hành uy tín lớn trong cả nước, quốc tế để không ngừng mở rộng, với những cơ chế đề xuất vừa mang tính ưu đãi làm động lực, vừa thúc đẩy xã hội hóa có tính định hướng, khuyến khích cao”, ông Hiển nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế khẳng định, 11 ấn phẩm nằm trong đề án Tủ sách Huế được xuất bản có giá trị về cả mặt hình thức, nội dung, bao hàm trong đó các giá trị văn hóa và nghiên cứu, học thuật thu hút được đông đảo sự quan tâm từ bạn đọc.
Thế nhưng con số đó vô cùng khiêm tốn so với mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được mong mỏi của đọc giả, đặc biệt mới chỉ tập trung ở những ấn phẩm nghiên cứu tiêu biểu ở một số lĩnh vực. “Đó cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao vì thế đang nghiên cứu các giải pháp tích cực để tăng số lượng ấn phẩm trong Tủ sách Huế. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cẩn trọng trong các khâu chọn lọc, thẩm định nội dung trong vô vàn các đầu sách liên quan đến Huế, Thừa Thiên Huế để xuất bản gắn logo Tủ sách Huế có giá trị và chất lượng nhất”, ông Hải chia sẻ.
|
Sách chưa bán nên bạn đọc quan tâm có thể tìm đến các kênh thư viện
Nói thêm về việc ấn phẩm Tủ sách Huế bị làm giả, ông Phan Thanh Hải cho rằng đó là vấn đề nhức nhối trên thị trường và mong các cơ quan quản lý chức năng vào cuộc để xác minh, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo pháp luật hiện hành.
Theo ông Hải, do sách chưa được phát hành rộng rãi ra thị trường, khả năng tiếp cận đối với bạn đọc và những người quan tâm chưa rộng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vi phạm bản quyền phát hành, xuất hiện sách giả. “Để tránh tình trạng mua phải sách giả, tiếp tay cho các hành vi gian lận, chúng tôi rất mong bạn đọc yêu mến các ấn phẩm trong Tủ sách Huế có thể chọn một trong các kênh tiếp cận sau đây: Mượn đọc trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện ở các trường đại học, thư viện trường THPT, thư viện các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoặc đọc các ấn phẩm điện tử trên trang thông tin điện tử Tủ sách Huế thuộc quản lý của Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Hải chia sẻ.
|
(Còn nữa)